Du lịch Việt Nam tăng trưởng kỷ lục
Năm 2018 được đánh giá là mốc thời gian thành công vượt bậc với ngành du lịch Việt Nam khi đạt kỷ lục thu hút tới 15,6 triệu lượt khách quốc tế. Lượng khách đã tăng 2,7 triệu so với năm trước đó. Với hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng năm 2018.
Đây thực sự là con số ấn tượng với ngành du lịch, giúp sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, đón 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế; đến năm 2030 đón 47 triệu khách quốc tế.
Theo một số chuyên gia du lịch, để đạt được thành tích trên cũng như duy trì đà tăng trưởng, có vai trò rất quan trọng của các địa danh du lịch nổi tiếng. Nhưng địa danh này đóng vai trò như những “thỏi nam châm” hút khách du lịch.
Nếu như trước kia, khách quốc tế đến Việt Nam tập trung chủ yếu ở các địa điểm truyền thống như Hà Nội, TP.HCM, Huế… thì hiện nay, những điểm đến mới hấp dẫn như Phú Quốc, Hạ Long… đang ngày càng có sự tăng trưởng vượt bậc.
Những “thỏi nam châm” hút du khách mới
Theo thống kê, năm 2018, Phú Quốc đã đón trên 4 triệu lượt khách du lịch trong năm 2018, trong đó có 430.000 khách quốc tế. Đáng chú ý, tốc độ tăng khách du lịch của Phú Quốc lên tới 36%, riêng khách quốc tế tăng 30%.
2018 cũng là năm rực rỡ với ngành du lịch Quảng Ninh. Tỉnh này đã đón 12,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, tăng trên 22% so cùng kỳ. Lượng khách du lịch trong năm 2018 đã gấp 10 lần dân số của tỉnh Quảng Ninh.
Một loạt các dự án như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… cùng hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, sân golf, cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch mới đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị, diện mạo ngành du lịch và đời sống người dân Quảng Ninh.
Đặc biệt, theo quyết định 702/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt. Theo đó, thành phố sẽ được phát triển theo mô hình đa cực. Về định hướng phát triển du lịch, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tập trung tại Bãi Cháy - Hùng Thắng, du lịch văn hóa tại khu vực Hòn Gai, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại tập trung về Tuần Châu, Đại Yên, kết hợp với địa phương lân cận để bổ sung các dịch vụ hỗ trợ du lịch. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư hệ thống các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí chất lượng cao để cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách du lịch. Bố trí quỹ đất 524ha để xây dựng các cơ sở lưu trú như resort, khách sạn, nhà nghỉ...
Phú Quốc có sự đóng góp rất lớn từ cải thiện hạ tầng: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (giai đoạn 1 và 2), cảng biển quốc tế An Thới, đường cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông chính Bắc - Nam, đường vòng quanh đảo, các tuyến đường nhánh sân bay…
Tương tự, sự tăng trưởng nhanh kỷ lục của Phú Quốc cũng có sự đóng góp rất lớn từ cải thiện hạ tầng. Theo thống kê, từ 2005 đến nay, đã có hơn 25.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được đổ vào các dự án hạ tầng trọng điểm trên “đảo ngọc”.
Những dự án mang tính chất thay đổi diện mạo cho “đảo ngọc” như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (giai đoạn 1 và 2), cảng biển quốc tế An Thới, đường cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông chính Bắc - Nam, đường vòng quanh đảo, các tuyến đường nhánh sân bay…
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), hiện tại đang có gần 300 dự án đầu tư được cấp phép tại Phú Quốc với số vốn lên tới 370.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn, uy tín như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group… đều có nhữn dự án lớn giúp thay đổi bộ mặt của Phú Quốc. Trong tương lai không xa, Phú Quốc sẽ còn phát triển và hấp dẫn hơn nữa với dòng vốn lớn này.
Cả 2 địa phương đều có các sản phẩm đa dạng như du lịch khám phá, du thuyền, casino, sân golf… Đặc biệt, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh, hứa hẹn sẽ biến Hạ Long và Phú Quốc trở thành các “thiên đường nghỉ dưỡng” trên bản đồ du lịch thế giới.
Có thể nói, việc Phú Quốc và Quảng Ninh “bứt tốc” trên bản đồ du lịch Việt Nam có công sức rất lớn của các lãnh đạo địa phương. Ở Quảng Ninh là chiến lược chuyển từ tăng trưởng “nâu sang xanh”, còn ở Phú Quốc là tầm nhìn thành một hòn đảo du lịch mang đăng cấp quốc tế. Chính Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khi tổng kết năm du lịch quốc gia 2018 tại Quảng Ninh đã đánh giá rất cao tầm nhìn và vai trò của lãnh đạo địa phương trong phát triển du lịch.
Hạ Long - Quảng Ninh và Phú Quốc sẽ còn “bứt tốc” trong tương lai
Để bổ trợ cho du lịch, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng đang góp phần để Hạ Long, Phú Quốc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng đáp ứng lượng khách tăng mạnh thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất về tổng quan thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2018, triển vọng 2019, Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ trong 2 năm gần đây mà trong suốt một thập kỷ vừa qua với tỷ lệ khách quốc tế tăng cao gấp 3 lần so với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng khách cũng cao gấp 2 lần so với tỷ lệ tăng trưởng của khu vực.
Phú Quốc được CNN bình chọn là một trong 19 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương đánh giá tích cực về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam năm 2019 và mong chờ những kết quả tốt trong năm tới.
Như vậy, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch 24-35%, Hạ Long và Phú Quốc được dự báo sẽ là những “thỏi nam châm” quan trọng hút khách du lịch, đóng góp vào mục tiêu chung của ngành du lịch Việt Nam. Với động lực là nguồn khách tăng nhanh, những địa danh này còn hứa hẹn trở thành những “thiên đường nghỉ dưỡng” mang đẳng cấp quốc tế trong thời gian không xa.