Theo thông tin từ ban tổ chức đã có 21 đoàn đăng kí tham dự với tổng số 210 VĐV. Những đơn vị mạnh như Khánh Hòa, Quân Đội hay Gia Lai đều có mặt và họ là ba đội đăng kí dự thi toàn đoàn với đầy đủ các nội dung. Đặc biệt, sau một thời gian gián đoạn một số đoàn có truyền thống ở các giải việt dã trước như Hải Dương, Hậu Giang hay Bà Rịa Vũng Tàu đã đăng kí tham gia trở lại.
Phát biểu trong buổi họp báo giới thiệu về giải, ông Trần Văn Thinh, Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đăk Nông, đại diện cho đơn vị chủ nhà cho biết: “mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đăk Nông sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm để tổ chức thành công giải đấu có bề dầy truyền thống như việt dã báo Tiền Phong”. Ông Thinh cũng khẳng định đây là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh của Đăk Nông, một địa phương trẻ tuổi mới được thành lập.
Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh của tổng cục Thể dục thể thao tiết lộ rằng rất nhiều đoàn đã bí mật “ém quân” tập luyện sẵn sàng ở Đăk Nông và các địa phương lân cận từ nhiều tuần nay để làm quen điều kiện thời tiết là đường chạy.
Ngoài các nội dung thi đấu truyền thống, năm nay giải còn mở rộng thêm nội dụng chạy đồng hành dành cho lực lượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và công nhân viên chức của thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông.
Năm nay, tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 150 triệu đồng (riêng nội dung bán marathon 21km đã là gần 70 triệu đồng), lớn nhất trong hệ thống thi đấu của các giải điền kinh quốc gia. Cùng với giải thưởng của BTC, các đoàn, đội, VĐV đoạt ba thứ hạng đầu còn nhận được bằng khen của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Các cự li thi đấu
21km bán marathon nam nữ; 10km nam tuyển; 5 km nữ tuyển; 7km nam trẻ; 3km nữ trẻ; 7km nam phong trào và 3km nữ phong trào. Các VĐV thi đấu hệ đội tuyển sinh từ 31-12-1996 trở về trước; Hệ đội trẻ sinh từ 1992 đến 1994. Riêng hệ phong trào không hạn chế lứa tuổi.