Nước đã cạn...

Đại ngàn Hương Sơn kêu cứu - Kỳ 2

TP - “Mùa mưa là đứng ngồi không yên. Rừng thượng nguồn tan cả. Mà không hiểu mần răng bữa ni mưa có vẻ khác thường. Có lúc mưa không ra mưa, đợi mãi không thấy mưa. Có khi mưa như thác”.

Bài I: Huyện, xã phản đối, tỉnh cứ làm

Bài II: Điện chưa có, nước đã cạn, núi lở

Trầm ngâm bên súc gỗ to đùng ven bờ núi dựng đứng dẫn đến thủy điện Hương Sơn, ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim I (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thở dài nói. 

Nước đã cạn...

Mực nước suối Nậm Sốt so với thời kỳ chưa khởi công xây dựng thủy điện Hương Sơn (năm 2004)  giảm trông thấy.

“Hồi trước, muốn qua suối, tôi phải cởi quần dài vì nước ngập đến thắt lưng. - Ông Việt nói - Bây chừ, nước chỉ re re”.

“Khi mưa, rừng có thể giữ lại khoảng 80% lượng nước, còn 20% lượng nước bề mặt chảy về đồng bằng. - Ông Phan Đình Nhã, chuyên gia Viện Tư vấn Phát triển (CODE) nói - Mất rừng, hiện tượng trên sẽ đảo ngược”.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở cạnh suối Nước Sốt (xã Sơn Kim I) nói: “Trước đây, khi có mưa lớn trên thượng nguồn, ít nhất 24 giờ sau, lũ mới về đến đoạn sông ngang thị trấn. Nay chỉ sau 6 - 10 giờ, lũ đã ào về”.

  Thủy điện Hương Sơn khảo sát đánh giá chưa đầy đủ. Hình như chưa có tổ chức hay nhà khoa học nào xem xét, đánh giá tác động môi trường và lợi hại thì phải.
Ông Nguyễn Minh Đăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn

Cty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi (ĐH Thủy lợi) làm nên dự án mà “điện đâu nỏ thấy, chỉ thấy phá rừng, kiệt nước” - Chị Trần Thị Đào, nhà cạnh suối Rào Mắc (xã Sơn Kim I) than vãn.

Trong vùng này, giếng khoan phải tăng độ sâu, giếng đào phải thêm cống. Ông Trần Văn Phượng, thôn Quyết Thắng (xã Sơn Kim II) trần tình: “Giếng nhà tui sâu 5 mét mà nỏ khi mô cạn. Bây chừ, 7 mét vẫn phải đào thêm một cống 80 phân nữa”.

Suối Nước Sốt hợp với suối Rào Àn tạo thành sông Ngàn Phố. “30 – 40 năm trước, về mùa kiệt, phải có đò mới qua được sông” - Lão nông tên Phượng hồi tưởng.

Thượng nguồn Rào Àn, người ta đang ráo riết làm thủy điện Rào Àn I và Rào Àn II. Lại một báo cáo đánh giá tác động môi trường lạc quan. “Dự án thủy điện điều tiết dòng chảy của các dòng suối trong khu vực, từ đó hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt mùa mưa, tăng lưu lượng dòng chảy mùa khô” (Trung tâm Quan trắc&Kỹ thuật Môi trường Hà Tĩnh).

Chúng tôi đứng bên suối Rào Àn, sát khu nhà của Trung tâm Du lịch Sinh thái Nhân văn Vùng cao, mà ngỡ đang đứng bên bờ sông. Mênh mông, xanh ngăn ngắt.

Ông Việt kể, suối Nước Sốt hồi chưa khởi công thủy điện Hương Sơn còn nhiều nước hơn so với Rào Àn bây giờ. Nếu xây dựng hai cái Rào Àn, ông tin, suối Rào Àn sẽ lại chung số phận cạn nước như Nước Sốt bây giờ.

Họp với Giám đốc dự án thủy điện Hương Sơn ở trụ sở UBND huyện Hương Sơn, ông Việt băn khoăn rừng bị phá rồi sẽ không đủ nước mà chạy máy. Ông bảo: “Thiếu nước thì ngày tích nước, đêm chạy máy”. Ông Chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn không kìm được: “Thiếu điện vẫn có thể sống được nhưng thiếu nước sẽ chết hết”.

...núi đã lở

Ông Việt chỉ những tảng núi đất lở loét, những rừng cây dưới vực chết khô bởi đất lấp: “Sáu năm nay, lở vẫn cứ lở, chứ nỏ phải mới làm đường mô”. Nắng lắm, mưa nhiều, địa hình dốc và chia cắt mạnh bởi nhiều sông suối, dải đất này liên tiếp hứng chịu mưa bão, lũ lụt.

Ở ngã ba sông Ngàn Phố, nơi hội lưu giữa Nước Sốt và Rào Àn, tôi gặp Lê Tử Hùng, sinh năm 1977. Anh và con gái 5 tuổi đều sinh ra và lớn lên bên Rào Àn.

Hùng chỉ lên cột điện cao 6 mét trước nhà nói, nước lũ năm 2002 dâng đến hai phần ba cột đèn và ngập mái nhà. Đụn cát to tướng ven đường kia, lối vào Khu Du lịch Sinh thái Vùng cao, tạo nên sau trận lũ quét.

Còn bãi đá cuội ven suối, rộng ngang sân bóng đá, từng là bãi đất và là nơi cư ngụ của ba gia đình, nơi đặt trạm kiểm lâm và doanh trại bộ đội. Dòng chảy hiện thời cũng là sản phẩm bởi trận lũ quét đó.

Thủy điện Hương Sơn, Rào Àn I và Rào Àn II đều nằm trong rừng phòng hộ đầu nguồn đặc biệt xung yếu, thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang, được mệnh danh là rốn lũ quét.

Theo báo cáo của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, độ dốc Hương Sơn ở cấp nguy hiểm cao nhất, 5/5. Độ dốc nhiều nơi lớn hơn 30 độ, đặc biệt, các vách núi ở khu vực thượng nguồn Hương Sơn còn dốc hơn nữa (40 – 50 độ), tạo thành khe hẹp, dễ hình thành đập ngăn nước tạm thời khi có sạt lở núi.

Đấy là chưa kể thượng nguồn Hương Sơn có địa hình phân cắt sâu. Phân cắt sâu lớn thường dẫn đến sự phát triển các hệ thống khe rãnh xâm thực và các sườn trượt đất. Trong lưu vực sông suối Hương Sơn, mức độ chênh lệnh địa hình có thể lên tới 100 m/km2…

Thế mà thủy điện Hương Sơn được khởi công ngay sau lũ quét lịch sử. Khi Hương Sơn còn ngổn ngang, người ta đã thúc giục khởi công hai công trình Rào Àn trên diện tích 100 ha, nơi lẽ ra phải được bảo vệ theo Quyết định 186 (ngày 14/8/2006 của Thủ tướng ban hành về quy chế quản lý rừng) và Quyết định 1404 (ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch ba loại rừng tỉnh Hà Tĩnh).

Rào Àn với trên 10.000 ha rừng nguyên sinh sót lại còn nằm trong kế hoạch xây dựng khu dự trữ sinh quyển để quốc tế công nhận.

Vị chi, chỉ trong diện tích 44.000 ha của hai xã Sơn Kim I và Sơn Kim II, có ba nhà máy thủy điện chễm chệ giữa rừng phòng hộ đầu nguồn. Chỉ riêng quản lý gỗ tận thu khi giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng và lòng hồ của các dự án này, ai được lợi? Không có câu trả lời từ các quan chức mà chúng tôi gặp.  

KS Nguyễn Xuân Vỹ - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh - cho biết: Toàn tỉnh Hà Tĩnh rộng 604.000 ha có 365.000 ha đất rừng, trong đó có 299.000 ha rừng.

Trong số 299.000 ha rừng, có 74.640 ha rừng đặc dụng, 84.000 ha rừng phòng hộ và 174.000 ha rừng sản xuất. Rừng phòng hộ sau này tăng 120.390 ha. Có thời, năm 1988 - 1989, Hà Tĩnh chỉ còn 200.000 ha rừng. “Diện tích rừng tăng như vậy, không hiểu mần răng lũ lụt cứ ngày càng khốc hại” - Ông Vỹ nói.