Ngày 1/8, TAND TPHCM tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank), Sài Gòn thương tín (Sacombank), Tiên Phong (TPBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo đó, HĐXX đã thông báo phiên tòa đi vào phần nghị án. Đến ngày 6/8, HĐXX sẽ đưa ra các quyết định về vụ án này.
Trước đó, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Công Danh một lần nữa nhắc lại nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án cũng như hành vi phạm tội của bản thân để mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời mong HĐXX tạo điều kiện để bị cáo khắc phục hậu quả của vụ án.
Trong khi đó, bị cáo Trầm Bê nói ngắn ngọn rằng chỉ mong HĐXX xem xét về hành vi sai trái của bị cáo để được hưởng hình phạt nhẹ nhất, sớm hòa nhập cộng đồng và tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Các bị cáo còn lại cũng được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án kéo dài đến ngày 6/8. Phần lớn các bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình để tiếp tục đóng góp cho xã hội.
VKSND giữ nguyên quan điểm đề nghi thu hồi 6100 tỷ đồng
Trước đó, trong phần đối đáp lại với luật sư bào chữa cho các bị cáo, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, việc đề nghị thu hồi số tiền 6100 tỷ đồng tang vật vụ án là có căn cứ pháp luật nên không đánh giá thêm.
Theo đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa, vụ án này được VKS đánh giá khách quan, toàn diện nhất của vụ án để đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, từ năm 2013-2014, bị cáo Phạm Công Danh cần có tiền sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Đồng thời, bị cáo Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng (Sacombank là 1.830 tỷ đồng, TPBank là 1.740 tỷ đồng, BIDV là 2.550 tỷ đồng).
Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh. Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến bị thiệt hại trên 6000 tỷ đồng.