Tại hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, hết tháng 8 vừa qua trên địa bàn tỉnh có 17 khu công nghiệp (KCN) được thành lập; trong đó có 9 khu đi vào hoạt động, với 493 dự án còn hiệu lực, gồm: 376 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD và 117 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI), tổng vốn đầu tư trên 37.784 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với ngành nghề sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, chiếm 50,4%; lắp ráp ô tô, xe máy chiếm 12,8%... Các KCN giải quyết việc làm cho trên 142.400 lao động.
Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư, ưu tiên quỹ đất sạch phát triển hạ tầng các KCN, thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định giá đất...
Là đơn vị có 10 năm đầu tư tại Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Quang - Giám đốc phát triển Dự án Khu công nghiệp Bá Thiện 2, Công ty cổ phần Vina - CPK - cho rằng, kết quả thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Theo ông, để Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư thì cần sớm triển khai, hoàn thiện các quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch phát triển khu công nghiệp và cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở để các nhà đầu tư rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án các KCN mới.
Đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ của tỉnh đối với các nhà đầu tư, ông Han Jung Ho - Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc - cho rằng, Vĩnh Phúc vẫn là nơi các nhà đầu tư Hàn Quốc hướng tới, vì có nhiều điểm nổi bật như vị trí địa lý, hệ thống giao thông, môi trường đầu tư kinh doanh...
“Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất mong tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các dự án nhà ở cho người lao động, bởi như người Việt Nam vẫn thường nói “an cư, lạc nghiệp”, ông Han Jung Ho nói.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải đáp, làm rõ các ý kiến, kiến nghị của nhà đầu tư về đất đai, nhất là việc xác định giá đất, đất đắp nền, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Ông yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam; tập trung nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại chất lượng cao, bảo vệ môi trường.
Các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; quan tâm chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giá thuê đất khu công nghiệp, giá thuê nhà xưởng hợp lý.