Phần lớn các trường hợp da khô đều nhẹ và tạm thời, thường là do tiếp xúc với môi trường như độ ẩm thấp hoặc xà phòng thô. Những trường hợp này có thể dễ phòng ngừa hoặc điều trị tại nhà. Nhưng da khô nặng hoặc kéo dài có thể nghĩ tới bệnh nghiêm trọng hơn và cần được khám cẩn thận và điều trị.
Nguyên nhân gây khô da
Mặc dù da khô có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào, nhưng chúng thường xuất hiện ở chân (nhất là cẳng chân), cạnh sườn (vùng giữa điểm cuối khung xương sườn và hông), và mu bàn tay. Da khô rất khó điều trị ở người từ 60 tuổi trở lên vì mất lớp dầu bảo vệ da tự nhiên.
Dưới đây là các nguyên nhân môi trường phổ biến gây da khô:
Độ ẩm thấp. Nếu bạn sống ở miền bắc, da khô thường xảy ra vào mùa đông. Nhưng nếu bạn sống ở vùng khí hậu khô, thì da khô có thể xảy ra quanh năm.
Tắm gội thường xuyên. Nước nóng phá vỡ mỡ bảo vệ của da. Da sẽ bị khô nếu bạn dùng xà phòng thô và dầu gội – nhất là những loại chứa chất khử mùi và thành phần kháng khuẩn.
Tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều. Ánh nắng làm khô da. Các lớp trong của da tiếp xúc với ánh nắng gây tổn thương collagen và các sợi elastin. Điều này gây ra nếp nhăn, nhão da và các triệu chứng của da khô.
Dưới đây là những bệnh liên quan đến da khô:
Bệnh vảy nến. Đây là rối loạn tự miễn khiến da khô và hình thành vảy trắng.
Rối loạn tuyến giáp. Có thể làm giảm sản sinh mồ hôi và dầu bảo vệ làn da của bạn.
Viêm da dị ứng (eczema). Là bệnh dị ứng gây ngứa và viêm da.
Ở một số trường hợp, da khô có thể là hậu quả của một rối loạn nặng và gây biến dạng được gọi là bệnh vảy cá. Các bệnh khác cũng có thể khiến da khô như bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh gan và thận, u lympho và HIV/AIDS.
Chăm sóc da khô tại nhà
Những thay đổi lối sống đơn giản có hiệu quả phòng ngừa da khô, bao gồm:
Tắm nhanh. Bạn chỉ nên tắm trong 5-10 phút với nước đủ ấm nhưng không quá nóng và xà phòng nhẹ như Neutrogena, Basis, hoặc Dove vì chúng có thêm chất béo – giúp làm ẩm da. Tắm lâu làm mất đi độ ẩm của da.
Chất làm ẩm. Dùng chất làm ẩm da – nên dùng thuốc mỡ hoặc kem thay cho dung dịch – trong vòng 3 phút sau khi tắm. Chất làm ẩm không “làm ẩm” da mà cung cấp hàng rào bảo vệ ngăn ngừa mất nước. Những lựa chọn tốt bao gồm thuốc mỡ hoặc kem chứa các thành phần như a-xít lactic, urê, a-xít hyaluronic, dimethicone, glycerin, lanolin, dầu thô hoặc mỡ. Cũng nên dùng chất làm ẩm bàn tay khô sau mỗi lần rửa tay.
Làm ẩm da. Nếu độ ẩm tương đối trong nhà bạn là dưới 40%, bạn có thể dùng máy làm ẩm xách tay hoặc máy làm ẩm gắn với lò sưởi của bạn.
Vải không kích ứng da. Chọn các loại vải không gây kích ứng như cotton hoặc lụa. Giặt quần áo bằng cách chất tẩy không mùi cũng có thể giảm kích ứng da.
Điều trị chống ngứa. Gạc lạnh hoặc thuốc mỡ chứa ít nhất 1% hydrocortison có thể giúp giảm ngứa.
Điều trị kháng khuẩn. Để ngăn ngừa nhiễm trùng, hãy bôi thuốc mỡ kháng khuẩn vào vết nứt da, nhất là những vết dễ gây chảy máu.
Khi nào cần đi khám bệnh
Tình trạng da không thuyên giảm với các cách điều trị tại nhà.
Có các vùng vảy và vằn lớn, hoặc ban đỏ rõ.
Da khô kèm theo đỏ.
Lở loét hoặc nhiễm trùng từ các vết xước.
Khô hoặc ngứa ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây da khô của bạn, bác sĩ có thể kê đơn kem chứa a-xít alpha hydroxy hoặc a-xít beta hydroxy nồng độ cao, urê, propylene glycol, hay cortison. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn băng ép chứa chất làm se giúp thu nhỏ vùng da khô và nứt nẻ.
T. Mai
Theo DG