Cyproheptadin trị chán ăn

TP - Hỏi: Gần đây, do ăn không ngon miệng, tôi được mách uống Cyproheptadin. Xin bác sĩ cho biết có đúng Cyproheptadin trị được chán ăn không.

Lê Xuân Vui (Lý Nhân, Hà Nam)

Ảnh minh họa. Nguồn: thugian.com

Trả lời:

Thực ra, chỉ định chính của cyproheptadin là trị, cải thiện các biểu hiện dị ứng. Tuy nhiên, cyproheptadin còn có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn do có tính chất kháng serotonin.

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến cảm giác no, đói của chúng ta, nếu chất sinh học này bị cyproheptadin đối kháng sẽ gây cảm giác đói, muốn ăn. Vì vậy, từ khá lâu, cyproheptadin đúng là được dùng trị chứng chán ăn nhiều hơn là dùng trị dị ứng.

Một số người kém ăn lại thêm khó ngủ sinh ra gầy ốm, thường chuộng sử dụng cyproheptadin, uống thuốc vào ban đêm để dễ ngủ (như nhiều thuốc kháng histamin thuộc loại cổ điển khác, cyproheptadin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ) và vào ban ngày cảm thấy thèm ăn, ăn uống nhiều hơn. Ăn được (đương nhiên phải ăn uống nhiều dưỡng chất hơn), ngủ được trong một thời gian giúp lên cân.

Tuy nhiên, dùng cyproheptadin, bạn cần lưu ý:

- Không được dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ con dưới hai tuổi, và người cao tuổi.

- Tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadin chỉ xuất hiện trong thời gian dùng thuốc. Một khi ngừng thuốc có thể bị tác dụng ngược lại là ăn mất ngon như trước và bị sụt cân trở lại.

- Chứng chán ăn do nhiều nguyên nhân gây ra. Đặc biệt có thể do nguyên nhân tâm lý. Vì vậy, cần phải xác định nguyên nhân để chữa trị.

Tại một số nước, cyproheptadin không còn được khuyến khích dùng như thuốc kích thích sự thèm ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng liệu pháp tâm lý và chế độ dinh dưỡng thích hợp là cách tốt nhất trị chứng chán ăn. Tóm lại, không nên dùng cyproheptadin làm thuốc trị chán ăn. Nếu có dùng cũng xem đây là phương thức bất đắc dĩ.

Histamin và dị ứng

Hỏi: Sau khi tôi ăn cá biển, người bị nổi mề đay, ngứa. Đi khám bác sĩ kết luận bị dị ứng do histamin và cho uống thuốc kháng histamin. Xin cho biết histamin là gì, vì sao lại gây ra dị ứng và cơ chế tác dụng của thuốc kháng histamin.

Trần Lâm (Đồ Sơn, Hải Phòng)

Trả lời:

Bình thường histamin có trong cơ thể, tập trung nhiều trong các tế bào bạch cầu đa nhân ưa kiềm (basophils), tế bào mast (mast cells) và các tế bào này có nhiều ở da, niêm mạc ruột, khí quản, phổi. Trong các tế bào, histamin kết hợp với heparin tạo thành phức hợp histamin - heparin không có hoạt tính.

Chỉ khi nào có phản ứng kháng nguyên - kháng thể đưa đến dị ứng, hoặc có tác động của các yếu tố khác như lạnh, tổn thương tế bào, hoá chất, tế bào chứa phức hợp histamin - heparin mới bị kích thích phóng thích ra histamin dạng tự do.

Chính histamin dạng tự do gây các triệu chứng bất lợi trên hệ hô hấp (sổ mũi, hen suyễn (do co thắt khí quản), trên da (nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù Quincke) trên mắt (làm viêm, đỏ kết mạc mắt), trên hệ tiêu hoá (gây sự tiết quá độ HCl và pepsin, gây tiêu chảy do co thắt ruột), và trên hệ tim mạch (gây giãn mạch, hạ huyết áp, gây co thắt tim).

Histamin có nhiều trong các động vật biển (tôm, cua, cá, mực) vì vậy khi ăn nhiều động vật biển dễ bị dị ứng. Histamin chỉ gây độc khi nó gắn với các tế bào ở tổ chức mô (da, mũi, hệ hô hấp, mắt) ở những vị trí nhạy cảm gọi là thụ thể histamin (histamin receptor).

Thuốc kháng histamin gồm nhiều nhóm dẫn chất khác nhau và có các thế hệ thuốc khác nhau. Vì vậy chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về dị ứng.

Phạm vi điều trị của thuốc kháng histamin có giới hạn do hai hạn chế sau:

- Trường hợp rối loạn có sự phóng thích ồ ạt quá nhiều histamin như bị sốc phản vệ, một mình thuốc kháng histamin không thể giải quyết được mà phải kết hợp thêm thuốc khác.

- Trong dị ứng, không chỉ có histamin mà còn có một số chất sinh học trung gian khác tham gia gây phản ứng. Như trong viêm mũi dị ứng đưa đến ngứa mũi, nhảy mũi, sổ mũi nước, nghẹt mũi, ngoài histamin còn có vai trò của các prostaglandin, các leukotrien, các kinin. Vì vậy, một mình thuốc kháng histamin có khi không tác dụng hoặc chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng dị ứng.