Ông Wang Xiangsui, hiện là giáo sư tại ĐH Hàng không Bắc Kinh, nói rằng hệ thống này bao gồm một mạng lưới đường hầm rộng khắp để vận chuyển và bảo vệ tên lửa, có thể bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ngay cả trong tình huống xấu nhất.
“Tấn công hạt nhân vào Trung Quốc luôn là một lựa chọn quân sự của Mỹ. Nhưng với lựa chọn này, họ đang đối mặt với sự bất định ngày càng lớn vì những điều chỉnh và thay đổi của chúng ta trong 20 năm qua”, ông Wang nói tại diễn đàn Mạc Can Sơn.
Không nêu ra nguồn nào, ông Wang nói rằng một số đánh giá của Mỹ cho rằng chỉ một đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể sống sót nếu bị Mỹ tấn công phủ đầu và có thể chạm đến Mỹ đại lục nếu phản công. Ông Wang nói rằng khẳng định này “vô nghĩa”.
Ông nói rằng trong những năm qua, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp để phát triển năng lực phản công đáng tin cậy nếu bị tấn công hạt nhân.
Bên cạnh các đường hầm tên lửa đạn đạo liên lục địa, Trung Quốc đã phát triển hệ thống tên lửa tiên tiến và mở rộng “pháo đài dưới biển” ở biển Đông và Hoàng Hải để các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của nước này hoạt động an toàn.
“Những thứ này đã vạch ra giới hạn cho đối đầu Trung – Mỹ, để đối đầu khó có khả năng trở thành cuộc xâm lược lớn. Đây là cơ sở quan trọng cho tính toán của cả hai bên”, ông Wang nói.
Trung Quốc cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên. Ước tính nước này đang sở hữu 200-300 đầu đạn hạt nhân, chỉ là phần nhỏ so với 4.000 đầu đạn của Nga và Mỹ.
Chiến lược hạt nhân phụ thuộc khả năng bảo đảm các lực lượng hạt nhân có thể sống sót sau khi hứng làn sóng tấn công đầu tiên của kẻ thù.
Năm 2018, báo chí Trung Quốc đưa tin quân đội nước này đã xây dựng “Vạn lý tường thành ngầm” dài 5.000km trên khắp đất nước để giấu, di chuyển và phóng tên lửa hạt nhân phản công. Trong đoạn phim được chiếu trên truyền hình, các tên lửa đạn đạo liên lục địa được chở trên xe tải đi dọc đường hầm.
Trung Quốc cũng phát triển năng lực hạt nhân dưới biển bằng cách trang bị cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 094A loại tên lửa JL-2. Đội tàu này sẽ bảo đảm khả năng tấn công nếu các hầm trên đất liền bị tấn công.
Quân đội Trung Quốc có một căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở biển Đông, khu vực nước sâu giúp tàu ngầm khó bị phát hiện hơn. Trung Quốc cũng có 2 căn cứ tàu ngầm ở Hoàng Hải, gần hơn để tấn công Mỹ đại lục qua Bắc cực.
“Các máy bay do thám Mỹ phát hiện các căn cứ tàu ngầm của chúng ta trên biển Đông hoạt động ở sâu tận 3.000m và các đạo nhân tạo và chúng ta xây dựng là nơi phóng tên lửa JL-2”, ông Wang nói.
Tên lửa JL-2 có tầm xa 7.400km, và thế hệ tên lửa tiếp theo là JL-3 có tầm xa hơn 12.000km, đưa Mỹ vào tầm ngắm.
Cũng tại diễn đàn, ông Wang tiết lộ lần đầu tiên rằng các tên lửa “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-26B và DF-21D của quân đội Trung Quốc đã bắn trúng một chiếc tàu đang di chuyển trên biển Đông trong vụ thử hồi tháng 8 năm nay, gửi tín hiệu cảnh báo đến Mỹ rằng “chớ có hành động quân sự liều lĩnh”.