Cuốn sách sau 15 năm mới xuất bản ở Việt Nam

TP - Tối 4/9, tại Trung tâm văn hóa Pháp, tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” của Nguyễn Huy Thiệp lần đầu ra mắt tại Việt Nam. Đây là cuốn sách đã gây nhiều tranh cãi trên văn đàn Việt Nam và phải sau 15 năm nó mới chính thức được xuất bản.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (giữa) trong buổi ra mắt tiểu thuyết đầu tay của ông

Hành trình xuất bản khó khăn

Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (người trực tiếp biên tập cuốn sách “Tuổi 20 yêu dấu”) kể rằng chị đã phải thuyết phục rất lâu để Nguyễn Huy Thiệp đồng ý xuất hiện trước công chúng, sau khi ông đã tuyên bố “rửa tay gác kiếm” từ nhiều
năm trước.

Nguyễn Huy Thiệp cũng nói rằng, ông rất sợ những cuộc ra mắt sách. Gần đây, ông đi dự một số cuộc ra mắt và “về nhà hốt hoảng”. Lý do lần nữa ông xuất hiện là bởi: “nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói với tôi, ra mắt sách nhiều khi là một nghi lễ! Tôi thấy ý kiến hay. Văn học Việt Nam trong nhiều năm nay bị dung tục hóa, nhà văn bị đưa ra đùa giỡn, người ta coi nhẹ
văn học”.

“Tuổi 20 yêu dấu” được Nguyễn Huy Thiệp viết và chỉnh sửa trong vòng một tháng, tại đảo Cát Bà. Cuốn sách mang hơi hướng tự truyện, nhân vật chính – Khuê lấy nguyên mẫu từ con trai của nhà văn. Nhiều độc giả thắc mắc, sau khi cuốn sách ra đời, con trai ông có cảm thấy tổn thương vì những câu chuyện “mặt trái” được phơi bày? Nhà văn cho biết, con trai chỉ đùa với ông: bố phải chia tiền nhuận bút cho con vì con là nguyên mẫu!

“Tuổi 20 yêu dấu” viết xong từ tháng 1/2003. Năm 2004 nó xuất bản ở Mỹ. Năm 2005 được NXB L’Aube (Edition l’Aube) chọn là cuốn sách thứ 1000, xuất bản tại Pháp qua bản dịch của Sean James Rose. Cũng trong năm này, Nguyễn Huy Thiệp là cái tên đứng thứ ba trong danh sách bán chạy của L’Aube. Nói thêm, đây chính là nhà xuất bản đã phát hiện và giới thiệu Cao Hành Kiện đến với giải Nobel. 

Như vậy là sau đúng 15 năm, cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả “Tướng về hưu” mới chính thức phát hành tại Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Giám đốc NXB Hội Nhà văn – đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản “Tuổi 20 yêu dấu”) cho biết: “Để ra được cuốn sách này rất khó khăn. Tôi nói thật, chúng tôi đứng trước nhiều thách thức, áp lực. Nhưng vẫn quyết định làm cuốn sách này là bởi tôi thấy nó cần thiết cho xã hội, cho thanh niên”.

Hiện nay, Nguyễn Huy Thiệp còn một bản thảo tiểu thuyết nữa là cuốn “Bên rìa nước” ông viết sau “Tuổi 20 yêu dấu” và một số tiểu thuyết tác giả tự cho là “ba xu” đang chờ cấp phép xuất bản.

“Tuổi 20 yêu dấu” sau 15 năm mới chính thức được xuất bản

Cuốn sách về tuổi trẻ không hoàn hảo

Nguyễn Huy Thiệp thành công chủ yếu và nổi bật ở truyện ngắn, kịch và tiểu luận. Nhưng khi ông bắt đầu viết tiểu thuyết thì nhiều người cho là thất bại. Trên trang Goodreads (trang phê bình sách nổi tiếng trên thế giới) phiên bản tiếng Việt, “Tuổi 20 yêu dấu” chỉ nhận được 2.8/5 sao.

Trong khi đó, nhà phê bình Mai Anh Tuấn lại nhận xét: “tôi cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết thành công, nó bổ sung thêm sự đa dạng phong phú trong lối viết của Nguyễn Huy Thiệp”.

Mai Anh Tuấn lý giải: “cuốn sách đặt ra một cái khác về tuổi trẻ. Lâu nay văn chương của ta thường xây dựng hình ảnh những người trẻ thành công và thành đạt. Nếu có vấp ngã, thất bại thì họ sẽ đứng lên, và là sự đứng lên hấp dẫn. Thì “Tuổi 20 yêu dấu” trình bày về một tuổi trẻ thất bại và đầy lầm lỗi. Sự thất bại và lầm lỗi của Khuê được kể ở ngôi thứ nhất đầy chất tự thú và sám hối, chính vì thế chúng ta nghe được tiếng nói thất bại và nhầm lẫn ấy từ bên trong. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta sẽ đón nhận những con người thất bại và sai lầm như thế nào? Về góc độ nào đó đây là cuốn tiểu thuyết Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm nhiều tình cảm bao dung, thể tất với tuổi trẻ, kể cả tuổi trẻ thất bại. Phải biết nhìn về sự thất bại người ta mới có thể xây dựng một cuộc sống tốt hơn”.

Độc giả Nguyễn Huy Quang (32 tuổi, TPHCM) chia sẻ: “tôi thích cuốn này từ khi nó còn lưu lạc trên internet. Đọc lại vẫn thấy nó rất đương đại, không hề bị lạc hậu. Nhân chuyến ra Hà Nội, tôi nghe tin sách ra mắt nên hủy lịch lên Sa Pa để đến dự”.

Những độc giả 20 tuổi

Phần lớn người ngồi trong khán phòng lớn của Trung tâm văn hóa Pháp dự ra mắt “Tuổi 20 yêu dấu” là thanh niên. Một chủ nhiệm khoa Văn Đại học Tây Bắc (Sơn La) đã đi 300 cây số về dự ra mắt sách rồi trở về ngay trong đêm. Những người này cũng là lực lượng đông đảo “cướp diễn đàn” của các nhà báo khi liên tục đưa ra những câu hỏi về “tuổi trẻ không hoàn hảo”, về “đi tìm lẽ sống” và “có lối thoát nào cho những sai lầm”?

Những sinh viên kỹ thuật quan tâm đến các triết lý trong sách và hỏi rằng, điều đó đã được nghiệm chứng chưa? Nhà văn trả lời: một mặt chúng ta nên nghe lời thánh nhân, mặt khác chúng ta cũng phải tự trở thành thánh nhân, sáng tác ra những lời của chúng ta! Câu trả lời này của Nguyễn Huy Thiệp được các độc giả trẻ trích dẫn trên facebook và bình luận: “đây là chất ngông của Nguyễn Huy Thiệp, giống với khi ông viết “trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” gây nên hai luồng ý kiến trái ngược: một mặt ủng hộ nhà văn nói đúng, một mặt đòi “chôn cất Nguyễn Huy Thiệp”.

Một số độc giả hỏi nhà văn có hối tiếc gì về cuốn sách và về tuổi 20 của chính ông? Nguyễn Huy Thiệp trả lời: Con người ta sống cũng có lúc thế nọ thế kia, nhưng cái gì đã qua là qua. Một trong những dấu hiệu của người có đạo đức tức là vui vẻ, tôi cũng đã nhắc trong sách. Hãy vui đi, tinh thần chấp nhận cuộc sống cao đi! Chúng ta cũng đừng sợ sai lầm, đừng sợ khó khăn. Phải có khát vọng. Lắng nghe tiếng nói của trái tim mình và hãy sống một cách mạnh mẽ. Tôi khuyên các bạn trẻ như thế mà thôi!