Cuối tuần này, vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam

TPO - Theo dự kiến, ngày 9/4, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được nhập về Việt Nam để bắt đầu cho kế hoạch tiêm chủng cho trẻ.

Số lượng vắc xin nhập về cuối tuần này sẽ khoảng gần 1 triệu liều. Đây là vắc xin do Chính phủ Úc tài trợ cho Việt Nam. Sau lô đầu tiên, lô thứ hai sẽ được nhập về vào ngày 13/4 và lô thứ ba dự kiến về trước ngày 18/4.

Trước đó, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các địa phương địa phương sẽ phải xây dựng kế hoạch triển khai tại địa phương và hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, tích cực chuẩn bị để sớm triển khai vắc xin cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi, sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể đưa vắc xin vào sử dụng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin.

Bộ Y tế xác định tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện Việt Nam đã mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin khi đã có tiền sử phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 hoặc các thành phần của vắc xin; trẻ phải trì hoãn tiêm là trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn...Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Hội đồng tư vấn về tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 5-12 tuổi cũng đã đồng thuận đưa ra khuyến cáo với trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc. Chuyên gia cũng cho biết, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa). Hội đồng tư vấn khuyến cáo, khi trẻ có MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.