Cuộc sống lênh đênh của hàng chục hộ dân trên hồ Dầu Tiếng

Dù chính quyền đã vận động lên bờ, tuy nhiên, hơn 60 hộ dân không có giấy tờ tùy thân, sống lênh đênh trong những căn nhà tạm ở ven hồ Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Hồ Dầu Tiếng thuộc phạm vi của 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là nơi cung cấp nguồn nước cho khu vực Đông Nam Bộ. Khu vực ven hồ thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) còn khoảng hơn 60 hộ dân không có giấy tờ tùy thân, sống ở những căn nhà tạm.

Các hộ dân này sống tập trung ở vùng bán ngập, họ đều không có giấy tờ tùy thân trong nhiều năm qua.

Những căn nhà tạm được dựng lên bằng những tấm tôn đã cũ. Dù vậy, những căn nhà này là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Có những gia đình sống đến 7 người và chỉ có duy nhất một phòng ngủ được quây kín. Mọi sinh hoạt khác đều ở phía ngoài căn nhà dựng tạm.

Gia đình chị Miễn Thị Đẹp (sinh năm 1981) có 4 người con trai, 2 người con lớn học hết lớp 3 thì nghỉ. Còn hai bé đang theo học trường tiểu học tại xã, hàng ngày, người anh sẽ dùng thuyền đưa các em lên đất liền để học. Sau đó, hai con trai lớn sẽ cùng cha đi thả lưới kiếm sống.

Sau mỗi buổi học, con trai chị Miễn về nhà tạm và xuống hồ tắm lúc giữa trưa. Dù mới chỉ học lớp 2 nhưng bé có thể bơi lội dưới nước rất thuần thục.

Hai con trai lớn theo anh Lê Văn Tường (chồng chị Miễn) đi đánh bắt tôm, cá trên hồ. Mỗi sáng, sau khi đem sản phẩm bán cho thương lái, ba cha con lại cùng nhau đi thả lưới. Mỗi buổi, ba cha con bắt được từ 3-5kg tôm, cá. Bình quân, mỗi buổi cũng kiếm được từ 500-700.000 đồng.

Chị Miễn ở nhà làm công việc nội trợ và đan lại những tấm lưới đã rách cho chồng đi đánh bắt cá. Dù cuộc sống trên bè còn nhiều khó khăn nhưng gia đình anh/chị vẫn muốn sống dưới hồ.

Theo anh Tường, hai vợ chồng không có bất kì giấy tờ tùy thân nào. Nếu có lên bờ thì cũng chẳng biết làm gì ngoài đánh bắt cá. Nghề đánh cá nuôi sống gia đình đã có từ đời cha, ông nên anh chỉ biết dựa vào sông nước để kiếm sống.

Những hộ dân không giấy tờ tùy thân hầu hết là người dân từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trước đó, do chiến tranh họ ly tán sang Campuchia. Sau đó, họ trở về nước rồi sống trên những nhà bè trôi nổi theo sông nước, đến vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng mưu sinh bằng nghề đánh bắt.

Mọi sinh hoạt của các hộ dân đều phải di chuyển bằng ghe. Họ sẽ lên đất liền mua đồ để tích trữ và dùng năng lượng mặt trời để có điện sinh hoạt.

Trước đây, nhiều hộ dân nuôi cá trên các lồng bè nhưng do nuôi cá ảnh hưởng đến nguồn nước, gây ô nhiễm nên chính quyền đã cấm không cho các hộ dân được nuôi cá. Người dân sống ở đây chỉ có thể đánh bắt cá trên hồ về thả vào bè, chờ bán cho thương lái.

Bố mẹ vợ anh Sối đang sống cùng vợ chồng anh tại căn nhà tạm trên hồ. Dù gia đình có 5 người nhưng mọi người vẫn sống vui vẻ. Hàng ngày, anh Sối đi đánh bắt trên hồ kiếm tiền nuôi gia đình. Anh Sối cũng chỉ muốn sống dưới bè, mưu sinh bằng nghề đánh bắt. Bởi vì, lên trên bờ anh cũng không biết làm gì khác ngoài nghề đánh cá.

Con trai anh Nguyễn Văn Dương (bên trái) học hết lớp 5 thì nghỉ học. Gia đình anh Dương có 5 người con, ba người con lớn học hết lớp 5 là nghỉ rồi đi phụ gia đình đánh bắt kiếm sống. May mắn hơn, gia đình anh Dương đã lên bờ được vài năm trở lại đây nhưng cũng gặp khó khăn và chưa có giấy tờ tùy thân.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo xã Minh Hòa, cho biết, nhiều trẻ mầm non không được cha mẹ cho đến lớp vì họ không có điều kiện và đường đến lớp cũng xa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các em được đến trường. Các em lên lớp 1 đều được đến lớp.

Chính quyền cũng thường xuyên kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các gia đình gặp khó khăn.

Chính quyền xã Minh Hòa đã vận động toàn bộ các hộ dân này lên bờ sinh sống. Tuy nhiên, chính quyền gặp khó khăn vì không có đất ở để cấp cho những hộ này. Không chỉ vậy, những hộ dân đang sống ở hồ vẫn chưa có giấy tờ tùy thân.

Dù cuộc sống dưới hồ còn nhiều khó khăn nhưng các em ở đây luôn nở nụ cười trên môi. Nhiều hộ gia đình sống trên hồ Dầu Tiếng hi vọng tương lai sẽ có đầy đủ giấy tờ tùy thân, để cuộc sống đỡ khó khăn hơn.

Link bài gốc:

https://dantri.com.vn/xa-hoi/cuoc-song-lenh-denh-cua-hang-chuc-ho-dan-tren-ho-dau-tieng-20231111110155186.htm?

Theo Báo Dân Trí