Thực tế, trên thế giới hiện không có bất kỳ hiệp định hay công ước quốc tế nào giám sát vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chúng thực sự là loại vũ khí nguy hiểm được nhiều quốc gia trên thế giới liên tục nâng cấp và phát triển.
Không bị ràng buộc bởi quy định quốc tế
Điểm khác biệt lớn nhất của vũ khí hạt nhân chiến thuật so với cấp chiến lược là chúng có sức công phá nhỏ hơn nhiều lần, tương ứng chỉ khoảng vài chục Kilotone (vài chục nghìn tấn thuốc nổ TNT). Loại vũ khí này được thiết kế để sử dụng tạo ra vùng sát thương hiệu dụng khoảng vài km tính từ tâm vụ nổ. Tuy nhiên, hiệu ứng hủy diệt của các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ này cũng đủ để vượt xa mọi loại vũ khí thông thường hiện có.
“Trong quá khứ, cả Liên Xô và Mỹ đều rất tích cực thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật và sở hữu hàng nghìn đơn vị vũ khí dạng này. Dù đi theo nhiều hướng phát triển khác nhau, nhưng đặc điểm chung của đầu đạn hạt nhân chiến thuật là chúng phải nhỏ gọn, phù hợp để trang bị các loại vũ khí truyền thống như pháo binh, tên lửa, mìn…”, Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Viện Khoa học Quân sự Liên bang Nga cho biết.
Rất may mắn là dù được trang bị khá phổ biến, nhưng theo ghi nhận chính thức, chưa loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nào được sử dụng thực tế trên chiến trường. Chúng không được sử dụng không phải vì vấn đề hiệu quả, mà là nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ và ảnh hưởng thậm chí tới cả lực lượng tấn công vì khi sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, chiến tuyến sẽ bị bao phủ bởi bụi phóng xạ đủ để hủy diệt tất cả sự sống trong vùng ảnh hưởng. Như vậy, sẽ không ai là người chiến thắng cuối cùng. Vì nguyên nhân này, vũ khí hạt nhân chiến thuật hiện tại chủ yếu được dùng với nhiệm vụ răn đe, tương tự như vũ khí cấp chiến lược.
Theo lời chuyên gia Vadim Kozyulin, điểm đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật dù được phân loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng chúng không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định quốc tế nào. Nếu vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ được giới hạn theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START), thì kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của hai quốc gia ở thời kỳ cao điểm có thể lên tới hàng chục nghìn đơn vị và không chịu bất kỳ sự giám sát nào.
Điều đáng lo ngại hơn là các cường quốc hạt nhân hiện không có ý định giảm bớt kho vũ khí hạt nhân chiến thuật hiện có, mà thậm chí còn mở rộng quy định và tình huống cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Đặc biệt tại châu Âu, với việc thiếu các quy định quốc tế khiến nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân vẫn tồn tại khi cả Nga và Mỹ đang duy trì lực lượng tiến công hạt nhân chiến thuật và đang có tín hiệu tăng cường số lượng triển khai chúng.
Nguy cơ không mới ở "lục địa già"
“Mỹ hiện có kho vũ khí hạt nhân chiến thuật khoảng 20.000 đơn vị, còn Nga vào khoảng gần 2.000 đơn vị”, Thượng tướng Vladimir Dvorkin, nguyên lãnh đạo Viện nghiên cứu Chiến lược số 4, Bộ Quốc phòng Nga nhận định.
Liên Xô và Nga đã phá hủy phần lớn kho vũ khí hạt nhân chiến thuật vào đầu những năm 1990, khi loại biên dần các tổ hợp tên lửa chiến thuật Oka, Tochka và Luna; các tên lửa hành trình diệt hạm và phòng không chiến lược… Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi gần đây, Nga đang tái trang bị hàng loạt đầu đạn hạt nhân chiến thuật để cân bằng với chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, đặc biệt là tại châu Âu.
“Trong chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, vai trò của các đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp như vũ khí cấp chiến thuật được đánh giá cao. Người Mỹ đang sử dụng chúng như một biện pháp răn đe”, ông Vladimir Dvorkin cho biết.
Quân đội Mỹ đang nâng cấp tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk đáp ứng khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Sự khác biệt giữa tên lửa Tomahawk thông thường và phiên bản mang đầu đạn hạt nhân không thể xác định. Những tên lửa như vậy hoàn toàn có thể được lắp đặt trong các giếng phóng Mk-41 thuộc tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis Ashore Mỹ đang triển khai tại nhiều quốc gia châu Âu.
Đối phó với chiến thuật của Mỹ, Nga đã đưa trở lại trang bị cối tự hành hạng nặng cỡ 240mm 2S4 Tyulpan. Dòng vũ khí hạng nặng này từng được quân đội Liên Xô sử dụng với mục đích mang vũ khí hạt nhân chiến thuật để đối phó với NATO ở châu Âu. Cùng với đó, việc triển khai các tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M, Kalibr, Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng là các bước đi tiếp theo.
Dù âm thầm hay công khai, Nga và Mỹ đang tạo ra cuộc chạy đua hạt nhân mới ở cả cấp chiến lược và chiến thuật. Tuy nhiên, các siêu cường nên nhớ rằng một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng, sẽ không có người chiến thắng cuối cùng trong bất kỳ cuộc chiến nào!