> Xem lại năng lực của Cục Đăng kiểm Việt Nam
> Lãnh đạo Toyota vẫn né sự thật?
Trao đổi với Tiền Phong, Cục phó cục ĐKVN Đỗ Hữu Đức khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm tới nơi tới chốn để đảm bảo sự an toàn cho người dân khi dùng xe ô tô. Cục sẽ yêu cầu TMV làm rõ vấn đề”.
Trả lời câu hỏi, có thông tin cán bộ đăng kiểm kiểm định chất lượng xe ô tô mới lắp ráp tại quán nhậu với các doanh nghiệp sản xuất ô tô? Ông Đức nói: “Đó là sự suy diễn, bởi đấy là chuyện cách đây 20 năm. Tôi khẳng định bây giờ không có chuyện đó. Đi kiểm nghiệm ô tô thì phải vào bãi xe, chụp ảnh lưu hồ sơ... Ô tô kiểm tra định kỳ vào trung tâm đều có camera theo dõi”.
Thiếu chế tài xử phạt
Một lãnh đạo Hội kỹ sư ôtô Việt Nam (xin giấu tên) cho biết, các loại xe trước khi đưa ra thị trường đã được kiểm tra theo quy chuẩn hiện hành, thỏa mãn quy định của Bộ GTVT và được cấp giấy chứng nhận. Hai loại ô tô bị lỗi như kỹ sư Lê Văn Tạch tố giác đã được kiểm tra thỏa mãn tiêu chuẩn đó. Còn lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất hàng loạt lại là một câu chuyện khác.
“Nó giống như một loại thuốc viên nào đó tuy được cấp phép, nhưng trong quá trình sản xuất, công nhân ngủ quên trộn loại này lẫn với loại kia”, một lãnh đạo Hội kỹ sư ôtô nói. Những vấn đề tương tự nếu xảy ra ở Mỹ, sản phẩm sẽ bị thu hồi ngay.
Theo lãnh đạo Hội kỹ sư ôtô, ở Việt Nam thiếu chế tài xử phạt, nếu ở Mỹ, sản phẩm sản xuất ra không đúng với mẫu trưng bày (công bố) sẽ bị phạt ngay 5 triệu USD, chưa nói đến chuyện sản xuất lỗi hay mất an toàn.
“Chế tài của mình còn mơ hồ lắm. Cơ quan chức năng đưa ra quy định nặng quá, một số quan điểm cho rằng không ủng hộ nhà sản xuất. Cần phải nhớ đối tượng của mình là 89 triệu dân chứ không phải 1.000 ông doanh nghiệp. Việc của mình là yêu cầu 1.000 ông doanh nghiệp phải phục vụ 89 triệu dân chứ. Lúc soạn thảo văn bản đưa ra điều gì chặt chẽ thì bị coi là không ủng hộ doanh nghiệp. Dân nộp thuế để cơ quan chức năng phục vụ dân chứ không phải để phục vụ doanh nghiệp. Người ta đã nhầm đối tượng phục vụ”, ông này nói.
Lỗi nguy hiểm
Về quan điểm của TMV là sẵn sàng thử nghiệm độ an toàn trước các cơ quan độc lập, theo lãnh đạo Hội kỹ sư ôtô: “Chớ có nghe nhà sản xuất. Về nguyên tắc, một tiêu chuẩn xe đưa ra trước đó (Tập đoàn Toyota) đã được thử nghiệm đi, thử nghiệm lại với các tốc độ, địa hình khác nhau... Một chỉ tiêu kỹ thuật là quá trình hàng trăm, hàng nghìn lần thực nghiệm. Nguyên tắc là không được làm khác với bản thiết kế chuẩn, chứ thử nghiệm trong thời gian ngắn làm sao phát hiện ra điều gì.
Ở nước ta, không có đủ kinh phí, thời gian, điều kiện khác để thử. Nếu đưa quy định ngặt nghèo thì bị phản đối vì cho rằng cản trở, gây khó doanh nghiệp. Các nước khác, người ta chạy 2 vạn cây số mới xem xét cấp phép”.
Về lỗi áp lực dầu phanh có thể dẫn tới văng đuôi xe như kỹ sư Tạch tiết lộ, lãnh đạo Hội kỹ sư ôtô cho biết: Về mặt kỹ thuật, lỗi này rất nguy hiểm. Bó cứng hai bánh trước không nguy hiểm bằng bó cứng hai bánh sau. Chính vì thế phải có bộ điều hòa lực phanh, làm sao lúc thông tải để lực sau nhỏ không bị bó cứng.
Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu báo cáo
Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ Người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết, ngày 4-4, Cục đã gửi văn bản yêu cầu Toyota Việt Nam (TMV) giải trình, báo cáo đầy đủ về việc có hàng nghìn chiếc xe Innova và Fortuner của hãng này mắc lỗi nhưng vẫn được lưu hành tại Việt Nam.
Bà Nga cho hay, Cục chỉ mới tiếp cận thông tin qua báo chí, và đây chỉ là một nguồn thông tin. Sau khi TMV giải thích mới biết được đúng sai ở đâu, từ đó, Cục sẽ có hành động tiếp theo. Hiện, Cục Quản lý Cạnh tranh đã có hồ sơ về vụ việc trên, đồng thời liên hệ với kỹ sư Lê Văn Tạch, người đứng ra tố giác các lỗi của xe Toyota. Theo quy định, chậm nhất sau 7 ngày công văn được gửi đi, TMV phải trả lời Cục Quản lý Cạnh tranh.
Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường
Chiều 4-4, trả lời Tiền Phong về vụ Toyota lắp ráp hàng nghìn xe bị lỗi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có đủ căn cứ cho rằng, chiếc xe mình mua không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng.
Theo ông Hùng, hàng nghìn chiếc xe Innova và Fortuner của Toyota lắp ráp chất lượng kém là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản theo luật định.
Ông Hùng cho hay, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, đặc biệt là vấn đề an toàn, doanh nghiệp nhất thiết phải có trách nhiệm với những khách hàng đã mua sản phẩm của mình. “Việc này cần làm kịp thời, vì không biết điều gì sẽ xảy ra khi hàng ngàn chiếc xe nếu được kiểm chứng, kết luận có một số lỗi, đặc biệt là bộ phận phanh, lưu thông trên đường” - Ông Hùng nói.
Lãnh đạo Vinastas đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, kết luận. Nếu sự việc báo Tiền Phong cũng như các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh là đúng, Hội sẽ có ý kiến chính thức với nhà sản xuất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.