CQ-88: Trường Sa những ngày không thể quên (II)
> Ảnh độc đặc công Việt Nam 'xuất quỷ nhập thần'
> Người trở về từ 'vòng tròn bất tử' Gạc Ma
Sau sự kiện Gạc Ma 1988, những chiến sĩ hải quân Việt Nam phải vượt lên muôn vàn khó khăn để trụ lại giữa đại dương mênh mông trong điều kiện khó khăn đủ bề, tình hình vẫn hết sức căng thẳng...
Chùm ảnh ghi nhận phần nào cuộc sống của những người lính đảo Trường Sa ở 11 đảo tiền tiêu: Đá Lát, Đá Đông, Núi Le, Tốc Tan, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Thuyền Chài, Trường Sa Đông năm 1988.
Trung tá, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 Hoàng Văn Thạo chốt giữ ở Trường Sa giới thiệu về loại nhà cao cẳng - cách anh em vẫn gọi vui về thế hệ nhà gỗ năm 1988 ở Trường Sa. Nhà rộng chừng 30m2, lợp mái tôn. Sàn ghép gỗ. Các phòng không có vách ngăn. Chỉ khi nhân viên cơ yếu làm việc, anh em dùng miếng vải lau súng làm vách ngăn.
“Giường” là sàn gỗ. Tối, anh em trải chiếu nằm chung. Sóng và gió lay nhà rung từng phút. Quần áo anh em bị nước biển làm mục rất nhanh, dù mỗi người đã có thêm hai bộ “quần áo chống rách”. Rách chỗ nào cứ túm lại vá chằng vá đụp. Hồi đó không có điện thoại, thư từ cũng khó khăn vì một năm may ra mới có tàu ra một lần. 15 người mà 14 người có thư là một người kia sẽ bỏ ăn, ngồi một góc, mặt buồn hiu. Ai hỏi tới là khóc ngay. Có người đọc thư nhiều tới mức nhàu cả lá thư, bợt nhòa cả chữ”, anh Thạo kể. Có những tờ báo chưa đọc đã bị cắt lủng những miếng vuông hay hình chữ nhật rất cẩn thận. Sau này mới biết đó là hình ảnh những cô gái xinh tươi bị một vài anh chàng láu cá cắt giấu mất trong balô.
Năm 1989, anh em mới được cấp hai băng nhạc Bảo Yến và một máy cassette Philips. Mỗi lần máy hết điện, mọi người phải thay nhau quay gamônô mới có điện nghe tiếp. Cái thời còn đầy rẫy thiếu thốn, anh em chia sẻ cho nhau nghe từng băng nhạc. Một điểm đảo nghe 20-25 ngày rồi chuyển băng cho các điểm đảo khác nghe. Quanh đi quẩn lại chỉ có hai cái băng, anh em nghe cho đến lúc băng nhão nát mới thôi.
Ngày đó đi từ điểm này qua điểm kia trên một đảo hoặc từ đảo này qua đảo khác chỉ có xuồng cao su. Nhưng rồi xuồng cao su cũng bị sụt hơi hoặc bị thủng do va vào đá san hô nhiều lần. Ngoài đảo không có bơm. Thế là người chuyển băng phải đi bộ. Chỉ cần lương khô, bình tông nước và một que sắt làm gậy chống.
Chính trị viên Thạo cho biết ớn nhất là đạp trúng san hô non. Nó giòn như bánh tráng, thụt xuống là chân tay bị cắt tơi tả. Đi từ đầu đến cuối đảo mất ba tiếng, còn từ điểm nọ qua điểm kia mất hai tiếng! Phải lựa lúc thủy triều cạn ban ngày mới được đi. Lúc đi nước rút xuống còn lấp xấp ngang đùi, đi một nửa đường thì nước cạn tới cổ chân. Tới nơi chuyển băng cho anh em thì nước đã lên tới đùi, phải ở lại. Điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ từ tình cảm tới vật chất, nhưng những người lính Trường Sa vẫn kiên gan trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.
TPO (tổng hợp)