Theo đó, bản tin cập nhật mới nhất từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, tính đến 9h00 ngày 8/10/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 36.386.774 người mắc; 1.060.418 người tử vong, 27.407.218 người khỏi bệnh.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 1099 ca mắc COVID-19
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 1023 ca.
- Số ca tử vong: 35 ca
Số người cách ly: 14.250 người
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 276 người
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.549 người
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.425 người
Đến 9h sáng ngày 8/10, toàn thế giới đã có hơn 36 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 1 triệu người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện có hơn 27 triệu người khỏi bệnh.
Trong vòng 24h qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (78.809 ca), Mỹ (39.706 ca) và Brazil (29.741 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 963 ca), Mỹ (744 ca), Brazil (657 ca) và Mexico (với 471 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Dịch bệnh diễn biến cực kỳ lo ngại bởi nó xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Như Châu Âu số ca bệnh tăng mạnh trở lại, một số nước thành viên đã áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách, quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Tại Việt Nam, trong 24h qua ghi nhận 1 ca mắc mới, đã có 1023 người được công bố khỏi bệnh. Tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã sang ngày thứ 51 Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tại Việt Nam đã 36 ngày liên tiếp không có ca mắc mới tại cộng đồng. Mặc dù đã cơ bản kiểm soát các ổ dịch, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định. Tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.
Tính đến đầu tháng 10, đã có 82 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19. Trong 82 đơn vị, miền Nam chiếm số lượng đông nhất là 37, miền Bắc là 36, miền Trung có 7 đơn vị và Tây Nguyên là 2 đơn vị.
2 vắc xin COVID-19 'made in Việt Nam' đang trong giai đoạn test thử thách
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19.
Trong đó, có hai nhà sản xuất tiềm năng gồm Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang với công nghệ phôi trứng gà và công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen với công nghệ tái tổ hợp.
Sản xuất vắc xin từ phôi trứng gà là nghiên cứu phát triển virus trên tế bào phôi gà hoặc trứng được thụ tinh, sau đó vô hiệu hóa virus để chúng không còn khả năng gây bệnh, tạo thành kháng nguyên (chất gây phản ứng miễn dịch cho cơ thể) để điều chế vắc xin.
Sản xuất vắc xin theo công nghệ tái tổ hợp là sử dụng công nghệ sinh học tách và tái tổ hợp gene của SARS-CoV-2 vào vi khuẩn hoặc một dòng tế bào thích hợp.
Hiện 2 vắc xin trên đang ở giai đoạn test thử thách, tức là tạo ra một vắc xin hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với SARS-CoV-2 để thử thách hiệu quả bảo vệ.
Hiện tại, IVAC đã chuyển vắc xin cho phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ để test.
Nanogen đang test thử thách vắc xin tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị này gửi mẫu test qua phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc để thử thách song song.
Các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngay lập tức. Như vậy trong 1 năm tới, Việt Nam dự kiến hoàn thành 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vắc xin
Với mục tiêu để Việt Nam có thể tiếp cận được sớm nhất có thể với vắc xin COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tiếp cận theo 2 con đường chính. Thứ nhất là đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới. Trong trường hợp nghiên cứu lâm sàng của những nhà sản xuất này thành công, Việt Nam cũng sẽ có thể tiếp cận sớm.
Tuy nhiên, số lượng vắc xin mà các nhà sản xuất nước ngoài có thể phân phối cho mỗi quốc gia chỉ ở mức giới hạn nhất định, trong khi đó chủ trương của Chính phủ là phải có vắc xin để phục vụ cho toàn dân.
Chính vì vậy, Việt Nam phải làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 của riêng mình. Đây cũng là hướng tiếp cận thứ hai của Bộ Y tế thúc đẩy, hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để có thể cho ra đời vắc xin COVID-19 “made in Vietnam” sớm nhất có thể.