Công nghiệp điện tử Việt Nam thất bại trong nội địa hóa

TP - Mặc dù có tới hơn 300 DN (trong đó 1/3 có vốn FDI) nhưng cơ cấu sản phẩm ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) nước ta lại mất cân đối giữa sản phẩm điện tử tiêu dùng và chuyên dùng.
Từ ngày 1/1/2009 DN điện tử Việt Nam phải đương đầu thêm nhiều thử thách mới. Ảnh: Phạm Anh

Công nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện và công nghiệp phụ trợ phát triển chậm nên tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài.

Ông Trần Quang Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam cho biết như vậy tại hội thảo “Hội nhập kinh tế Quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với ngành điện tử-viễn thông” (ngày 25/12, tại Hà Nội).

Về phương thức hoạt động, các DN chủ yếu sản xuất phụ tùng linh kiện xuất khẩu (chủ yếu DN FDI); lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng nội địa; mảng thương mại, dịch vụ phần lớn do các DN tư nhân vừa và nhỏ Việt Nam đảm nhận.

Ông Hoàng Minh Trí - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH 4P cho rằng những chính sách nội địa hóa điện tử thời gian qua đã không thành công. Những Cty từng chiếm thế mạnh trong lĩnh vực điện tử như Vietronics Đống Đa, Điện tử Giảng Võ, Hanel, Điện tử Biên Hòa, Viettronics Tân Bình... hiện hoặc chuyển hướng hoạt động hoặc còn hoạt động mờ nhạt trên thị trường.

Những sản phẩm điện tử đó đã gần như không còn nằm trong tâm trí của người tiêu dùng Việt Nam. Ngành CNĐT vẫn dẫm chân tại chỗ, cũng có nghĩa là thụt lùi.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam ví nguồn hàng điện tử, điện máy do các DN nội địa cung cấp là một bức tranh ảm đạm, còn thả nổi cho thị trường nhập khẩu.

Các nhà kinh tế cảnh báo, thời gian tới, hàng điện tử Việt Nam có thể “thua trên sân nhà”. DN điện tử trong nước nổi lên vài thương hiệu như máy tính CMS, dàn karaoke Tiến Đạt, sản phẩm điện tử của VTB...

Chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng tuy được cải tiến nhưng vẫn chưa theo kịp xu thế chung. Vấn đề muôn thuở trong mắt xích “sản xuất-lắp ráp-thiết kế” là chưa đồng bộ...

TS Lê Đăng Doanh đề nghị: Các DN cần phải tự cứu mình. Hãy rút kinh nghiệm từ sự phá sản của Orion-Hanel để đánh giá, nhận thức diễn biến tới đây, xem số đơn đặt hàng là bao nhiêu, diễn biến giá cả thế nào, giảm chi phí và tái cơ cấu trong sản phẩm của mình.

Theo ông  Doanh, các DN Việt Nam đến nay vẫn thiếu chiến lược phát triển lâu dài, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt.

“Tôi nghĩ, các DN Việt Nam thời gian qua chỉ cố gắng tìm được lợi nhuận từ các mối quan hệ, từ xin đất, ăn chênh lệch giá. Rất ít DN có tầm nhìn, chiến lược lâu dài. CNĐT của chúng ta như là kẻ đến sau, đến muộn nên lựa chọn thị trường ngách, sản xuất các mặt hàng mà nước khác không có lợi thế như mình. Với lợi thế về nhân công rẻ, khéo tay, nếu trả lương tốt, công nhân làm việc rất hiệu quả”- Ông Doanh nói.

Theo ông Trần Quốc Hùng: “Các DN Việt Nam, nhất là DN Nhà nước cần bỏ dần đi thói quen dựa vào “bầu sữa” hỗ trợ từ Nhà nước, mà nên tự “ăn bột, gặm bánh mỳ”.

DN cần nắm vững luật chơi, những cam kết với WTO để hoạch định lại chiến lược SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại, phát triển. Thêm vào đó, thay vì đầu tư sản xuất dàn trải kiểu “từ A đến Z”, cần chú trọng một sản phẩm có chất lượng, sản xuất số lượng lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh”.  

Bộ Công Thương cho biết: Ngành CNĐT nước ta hằng năm tăng trưởng 20-30%; thiết bị và linh kiện điện tử đã xuất khẩu đến hơn 50 nước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này năm 2006 đạt 1,5 tỷ USD, năm 2007 đạt hơn 2 tỷ USD và ước tính năm 2008 sẽ tới gần 3 tỷ USD.

Thiết bị và linh kiện điện tử xếp hàng thứ sáu trong số những sản phẩm xuất khẩu chủ chốt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Trung - Phó Vụ trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), công nghệ và thiết bị sản xuất ở Việt Nam lạc hậu 10-20 năm so với khu vực và thế giới.