Suốt 6 ngày qua, công ty DigitalGlobe đã tải những bức ảnh vệ tinh có độ phân giải cao và ảnh chụp từ trên không lên trang Tomnod để mọi người tìm kiếm manh mối về vụ tai nạn, cũng như dấu hiệu chìm tàu hoặc dầu tràn.
Những bức ảnh được đánh dấu sẽ được các chuyên gia phân tích trước khi những ảnh có ý nghĩa nhất được gửi đến nhóm tìm kiếm ở châu Á.
DigitalGlobe đã tải hình ảnh bao phủ 3.200 km2 trên khu vực này lên Tomnod và vẫn tiếp tục cung cấp hình ảnh.
Hơn 25.000 người đã đăng ký để cùng tìm chiếc máy bay, vì thế trang web nhiều lần bị quá tải.
Những nỗ lực tìm kiếm đầu tiên tập trung vào vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam trước khi mở rộng sang eo biển Malacca và biển Andaman. Hình ảnh của DigitalGlobe đang được đưa lên để phản ảnh toàn bộ khu vực tìm kiếm, tuy rằng không thể ngay lập tức tải hết hình ảnh của khu vực rộng tới 92.000 km2.
Để sử dụng trang web này, người dùng zoom (phóng to) vào mỗi hình ảnh vệ tinh và đóng ghim khi phát hiện bất gì cái gì mà họ nghĩ là liên quan đến vụ tai nạn.
Hệ thống này còn có công cụ tự động cắm cờ bất kỳ khu vực nào được đánh dấu chồng lấn, nghĩa là có hơn 1 người đã tìm ra điều gì đó có ý nghĩa trong cùng một khu vực.
Tất cả những điểm đánh dấu này được các chuyên gia phân tích để chọn ra 10 điểm có khả năng nhất để chia sẻ với chính quyền Malaysia.
DigitalGlobe nói, trước khi chuyển thông tin đến chính quyền, các chuyên gia phải chắc chắn 100% rằng thông tin đó đáng để xác minh, nhằm tránh làm mất thời gian của chính quyền và lực lượng tìm kiếm.
Đây không phải lần đầu tiên Tomnod sử dụng phương pháp này.
Sau khi trận bão Hải Yến tàn phá Philippines vào tháng 11/2013, hàng ngàn người đã đăng nhập để tìm kiếm và nhận dạng đồ vật mất tích và các dấu mốc bị tàn phá.
“Chúng tôi đang làm việc hết sức có thể ở mức độ chưa từng thấy để hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia. Xin hãy kiểm tra sớm. Chúng tôi đã có bộ hình ảnh mới được đưa ra hôm nay và sẽ sớm đưa lên mạng để cho mọi người kiểm tra”, công ty có trụ sở ở Colorado thông báo.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Malasia Airlines mất tích hôm thứ Bảy khi đang trên đường sang Trung Quốc, với 239 người trên khoang.
Khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur, chiếc Boeing 777 biến mất khỏi radar.
Liên lạc cuối cùng mà chính quyền nhận được là máy bay đang giữa vùng trời Malasia và Việt Nam. Trạm kiểm soát không lưu ở Malaysia nói rằng họ bàn giao quyền kiểm soát cho đài không lưu ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi liên lạc bị ngắt hoàn toàn.