Festival lúa gạo lần thứ nhất:

Con đường lúa gạo miền Hậu Giang

TP - Trong khuôn khổ Festival lúa gạo lần thứ nhất, tại Hậu Giang, hai hội thảo quan trọng diễn ra nhằm làm rõ thêm vị trí, con đường lúa gạo nơi đây.

Tại Hội thảo khoa học Kênh xáng Xà No - Con đường lúa gạo miền Hậu Giang, ngày 30-11, theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL thì: “Nhờ vào lợi thế của điều kiện tự nhiên thích hợp cho cây lúa, cây lúa ở ĐBSCL nói chung và tây Sông Hậu vùng kinh xáng Xà No nói riêng, vừa là cây chủ lực, vừa là cây an ninh lương thực của quốc gia và cung cấp lúa gạo cho thị trường thế giới. ĐBSCL có dân số hơn 18 triệu người, trong đó có gần 80% dân số ở nông thôn và làm nông nghiệp - chủ yếu là sản xuất lúa”.

“Dù hiện nay, ở ĐBSCL đã xuất hiện nhiều con đường lúa gạo mới, nhiều trung tâm lúa gạo khác, thế nhưng, kinh xáng Xà No vẫn là con đường lúa gạo huyết mạch của tiểu vùng tây Sông Hậu”, ông Trịnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu đề dẫn.

Lỗ hổng thương hiệu

Hội thảo quốc tế Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu và hội nhập, ngày 29-11,  thu hút 6 diễn giả quốc tế, 3 diễn giả trong nước và hơn 100 doanh nghiệp tham gia thuyết trình, thảo luận.

Vựa lúa chính của cả nước, ĐBSCL, đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu gạo nhiều năm qua, đưa Việt Nam luôn giữ vững vị trí cường quốc thứ hai trên thế giới. Nhưng vẫn chưa có được thương hiệu riêng cho hạt gạo của mình.

Ông Abhishek Sahai, Phó Chủ tịch ban điều phối gạo (Tập đoàn OLAM) cho rằng, gạo Việt Nam phải cải thiện bao bì, quy cách đóng gói. Vì thời gian qua, gạo Việt Nam rất tốt nhưng lại bị che khuất trong lớp bao bì kém hấp dẫn nên mất giá trị. Nhất thiết phải xây dựng cho được thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngoài ra phải tập trung vào tính ổn định của chất lượng hạt gạo. Chất lượng phải đồng nhất tất cả các lô hàng mới tạo được niềm tin, thu hút người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn gạo Việt Nam.

Còn cố vấn cao cấp của Tập đoàn truyền thông chuyên ngành về lương thực và thực phẩm của Châu Âu tại Việt Nam, ông Herby Neubacher, nói: “Cần đặt tên, tạo thương hiệu hấp dẫn cho hạt gạo của Việt Nam. Đối với hạt gạo Việt Nam, đừng chạy theo số lượng, giá cả mà hãy nhắm vào chất lượng, dịch vụ”.  

Hậu Giang: Nhiều hoạt động trong Festival lúa gạo

Sáng 30-11, kết thúc và trao giải đua ghe ngo cúp Festival lúa gạo Việt Nam. Giải đua ghe ngo có 18 đội với hơn 1.200 vận động viên ở các tỉnh thành ĐBSCL tham gia.

Giải nhất trao cho đội đua ghe ngo của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), giải nhì thuộc về đội của huyện Châu Thành (Kiên Giang), giải ba thuộc về đội Càng Long (Trà Vinh).

* Tối 29-11, khai mạc Hội thi duyên dáng áo bà ba, trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam. Vòng chung kết có 15 thí sinh trình diễn trang phục áo bà ba của ba nhà thiết kế Vũ Phong, Trần Thị Thanh Thúy và Nguyễn Tuấn. Giải vàng duyên dáng áo bà ba đã được trao cho nhà thiết kế Vũ Phong (20 triệu đồng), giải bạc trao cho hai nhà thiết kế còn lại (10 triệu đồng).