Vụ xô xát giữa Lee Kang In và Son Heung Min khiến giới túc cầu Hàn Quốc dậy sóng. Sự việc diễn ra ngay trước trận đối đầu giữa Hàn Quốc với Jordan ở bán kết Asian Cup 2023 ngày 6/2, nhưng đến 14/2, sự việc mới bị phanh phui.
Đội trưởng Son Heung Min muốn cả đội cùng dùng bữa tối nhưng một số cầu thủ trẻ, trong đó có Lee Kang In quyết định chơi bóng bàn. Sau một hồi xô xát và tranh cãi, Lee Kang In khiến Son bị trật khớp ngón tay.
Mâu thuẫn nội bộ giữa các thế hệ cầu thủ tồn tại từ lâu, chia phe phái nhưng bị cựu HLV Klinsmann (mới bị sa thải) phớt lờ.
Lee Kang In đã xin lỗi về hành động của mình trên trang cá nhân. Tuy nhiên, tiền vệ của Paris Saint-Germain nhấn mạnh anh không hành động tấn công Son như một số phương tiện truyền thông đưa tin. Trở lại khoác áo Tottenham Hotspur thuộc khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh, Son Heung Min thừa nhận đã trải qua một tuần khó khăn nhất trong cuộc đời. Anh không trực tiếp đề cập đến ồn ào và nói phục vụ đội tuyển quốc gia là một phần quan trọng với anh.
Nhiều người không chấp nhận lời xin lỗi của Lee Kang In, thậm chí yêu cầu Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc cấm vĩnh viễn cầu thủ sinh năm 2001 thi đấu cho tuyển quốc gia.
Văn hóa tiền bối - hậu bối ở Hàn Quốc
Các cựu cầu thủ và công chúng chỉ trích Lee Kang In thiếu tôn trọng Son Heung Min, người hơn anh 9 tuổi và được coi là “bảo vật quốc gia”. Qua kênh YouTube cá nhân, cựu tuyển thủ đội tuyển quốc gia Lee Chun Soo nói anh “thực sự tổn thương” trước tin tức về cuộc ẩu đả giữa các cầu thủ.
"Thành thật mà nói, tôi nghĩ đây là điều không nên xảy ra. Hàn Quốc là đất nước có cách cư xử và rất coi trọng mối quan hệ "sunbae-hubae" (tiền bối-hậu bối)", anh nói, đồng thời thừa nhận hiện tại văn hóa ở tuyển khác hẳn so với khi anh chơi cho Hàn Quốc những năm 2000.
Văn hóa Hàn Quốc rất coi trọng thâm niên, ngay cả khi chênh lệch dù chỉ cách một tháng. Hubae, chỉ người ít kinh nghiệm hơn, được yêu cầu phải tôn trọng tiền bối – những người sẽ hướng dẫn và chăm sóc các thành viên trẻ hơn của công ty, trường học hoặc đội thể thao.
Khi Guus Hiddink đảm nhận vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc trước World Cup 2002, ông đặt ra mục tiêu xóa bỏ hệ thống phân cấp nghiêm ngặt bằng cách yêu cầu các cầu thủ trẻ sử dụng "banmal" - cách nói thân mật thường được sử dụng với những người trẻ hơn hoặc những người đã trưởng thành. Lee Chun Soo là một trong những người trẻ đi đầu trong việc thay đổi, góp phần cải thiện giao tiếp giữa các cầu thủ dẫn đến trận bán kết nổi tiếng ở giải bóng đá hàng đầu thế giới.
Hai thập kỷ sau, văn hóa thâm niên ở Hàn Quốc vẫn duy trì, tôn trọng người lớn tuổi là nét đặc trưng riêng của xã hội Hàn Quốc.
Với những người yêu thích và thường xuyên theo dõi showbiz Hàn chắc hẳn không còn xa lạ với văn hóa ứng xử giữa hậu bối – tiền bối. Với người Hàn, họ coi trọng cấp bậc và tôn ti trật tự, chỉ cần một hành động bất cẩn, phớt lờ không chào hỏi cũng dễ bị chỉnh đốn, coi là thiếu tôn trọng và hứng “gạch đá” từ dư luận. Văn hóa này khắt khe hơn với những người của công chúng.
Năm 2017, bức ảnh khá nổi tiếng chụp từ hậu trường show âm nhạc nổi tiếng Music Bank, cho thấy số lượng đông đảo các thần tượng đứng xếp hàng thành từng nhóm, chờ chào hỏi các nhà sản xuất, giám đốc chương trình đi ngang qua. Không chỉ vậy, các thần tượng phải gập người cúi chào 90 độ, hô to khẩu hiệu của nhóm, chờ đợi thời gian dài sau khi buổi ghi hình kết thúc.
Không ít nghệ sĩ từng lên truyền hình phàn nàn về việc văn hóa chào hỏi bị xem nhẹ và phê phán cách hành xử của hậu bối. Có những trường hợp, việc phân chia tiền bối và hậu bối không phụ thuộc vào thời điểm ra mắt mà dựa trên mức độ nổi tiếng. Solji (EXID) cảm thấy tủi thân, bị coi thường khi lời chào hỏi của nhóm bị hậu bối làm ngơ chỉ vì EXID không danh tiếng bằng.
Quay lại với lùm xùm của tuyển Hàn Quốc, sự chia rẽ nội bộ còn ở sự phân biệt giữa những cầu thủ xuất ngoại và trong nước. Trong buổi huấn luyện trước giải đấu, phóng viên ghi lại cảnh nhóm cầu thủ xuất ngoại không hài lòng với một hậu vệ thi đấu trong nước.
Tháng 11/2023, sau trận đấu vòng loại thứ hai của World Cup 2026, nhóm cầu thủ đá cho các đội châu Âu như như Son Heung Min, Kim Min Jae, Hwang Hee Chan và Lee Kang In thuê máy bay riêng trở về Hàn Quốc sớm dù lịch trình cả đội chưa kết thúc.
Trái đắng từ văn hóa tẩy chay đối với người nổi tiếng
Yonhap đưa tin KT – một trong những đơn vị viễn thông hàng đầu xứ kim chi - đã yêu cầu các cửa hàng trên toàn quốc gỡ bỏ các áp phích có hình ngôi sao 22 tuổi. Những tấm áp phích đó được sản xuất cho chương trình khuyến mãi Galaxy S24 Series của KT.
Một quan chức của công ty cho biết KT đã quyết định kết thúc chương trình khuyến mãi vào thứ Sáu, sớm hơn một ngày so với dự kiến ban đầu.
Về việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác với cầu thủ thuộc biên chế Paris Saint-Germain, quan chức này cho biết: "Chúng tôi đang xem xét khả năng đó từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng chưa có gì được quyết định".
Lee Kang In lần đầu ký hợp đồng 6 năm với KT năm 2019, sau khi giành Quả bóng vàng với tư cách là cầu thủ hay nhất giải đấu tại FIFA U-20 World Cup khi mới 18 tuổi.
KT ký hợp đồng mới với anh vào 16/1/2024, một ngày sau khi Lee ghi hai bàn trong chiến thắng 3-1 của Hàn Quốc trước Bahrain ở vòng bảng Liên đoàn bóng đá châu Á Asian Cup tại Qatar.
Thậm chí, sau vụ việc này đã có nhiều hơn những bóc mẽ về Lee Kang In trong quá khứ. Ngôi sao của PSG bị tố cáo có tính cách ngổ ngáo và bất lịch sự khiến nhiều người không hài lòng.
Không dừng lại ở đó, cư dân mạng Hàn Quốc tuyên bố tẩy chay những thương hiệu đang hợp tác với Lee Kang In, trang cá nhân của cầu thủ 22 tuổi ngập trong bình luận chỉ trích.
Lee Kang In trẻ tuổi và tài năng, được coi là tương lai của bóng đá Hàn Quốc nhưng cũng không thoát khỏi số phận bị tẩy chay từ cư dân mạng nước này bởi mâu thuẫn với Son Heung Min.
Thực tế, cư dân mạng Hàn Quốc đã cho thấy sự cay nghiệt với những trường hợp dính phốt của người nổi tiếng. Ngược dòng thời gian, có những ngôi sao dính tin đồn cũng bị tẩy chay, triệt đường làm ăn, đến khi được minh oan sự nghiệp cũng chẳng thể vực lại như thời hoàng kim.
Nhóm nhạc nữ T-ara mất 6 năm tìm công bằng sau scandal bắt nạt thành viên, ồn ào khiến nhóm suýt tan rã, bị chửi rủa thậm tệ, từ nhóm nhạc hạng A rơi xuống đáy vực. Nhóm được minh oan năm 2018 nhưng cơ đồ đã hoang tàn.
Yoo Seung Jun (còn gọi là Steve Yoo) - ca sĩ thần tượng nổi tiếng nhất xứ sở kim chi vào cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000 – đi tong cả sự nghiệp, không thể đặt chân về Hàn Quốc đổi quốc tịch Mỹ để tránh nghĩa vụ quân sự năm 2002.
Ề chề bị gọi là kẻ phản bội, bị cấm nhập cảnh về quê hương, năm 2015 Yoo Seung Jun thông qua kênh truyền hình Afreeca TV ở Hong Kong (Trung Quốc) đã quỳ gối, cúi đầu xin lỗi người dân Hàn Quốc vì trốn nhập ngũ. Gần 2 thập kỷ, anh tìm cách quay lại Hàn Quốc, thậm chí xin gia nhập quân đội dù quá tuổi nhưng không thành.
Cuối năm 2023, Yoo bất bình, chỉ trích giới chức Hàn Quốc trong video YouTube khi thấy nhiều người trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhưng không phải chịu hậu quả, trong khi anh bị săn lùng như phù thủy.
Sự khắc nghiệt ở Hàn Quốc đối với người nổi tiếng là vậy, tuy nhiên yếu tố này cũng chỉ là một phần. Cần nhìn rộng hơn về không gian hoạt động, cách kiếm tiền của cầu thủ khác với ca sĩ, diễn viên Kbiz.
Như vụ việc Lee Kang In đang bị tẩy chay, cầu thủ này còn trẻ, đang có sự nghiệp sáng cửa ở Paris Saint-Germain, việc bị ghét bỏ ở quê nhà có thể phai mờ theo thời gian và không có nhiều tác động đến cầu thủ này. Đặt giả thiết nếu phong độ của Lee Kang In lên cao, những người xem bóng đá sẽ chẳng mấy ai để tâm quá nhiều đến đời tư của cầu thủ.