Cổ phiếu ngân hàng lao dốc, VN-Index giảm gần 30 điểm

TPO - Với hơn 320 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, nhóm VN30, các trụ cột ngân hàng, chứng khoán đồng loạt giảm, VN-Index đóng cửa “bốc hơi” gần 30 điểm.

Phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số đều ngụp lặn trong sắc đỏ ngay từ giờ mở cửa. Hàng loạt cổ phiếu lớn giảm giá, đà giảm tiếp tục nới rộng về cuối phiên khiến VN30-Index đóng cửa lùi về sát 1.470 điểm. Ở nhóm VN30, có tới 24 mã giảm áp đảo 6 mã tăng. Trong đó, giảm mạnh nhất là cổ phiếu ngân hàng: STB giảm sàn, TPB, BID bị kéo sát giá sàn, HDB, CTG, MBB cũng giảm trên dưới 6%.

Đây cũng là những mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. Chiếm 9/10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đều là cổ phiếu ngân hàng, lấy đi của VN-Index hơn 20 điểm. 24/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong phiên hôm nay. Trên HoSE, cổ phiếu ngân hàng có mức giảm thấp nhất cũng hơn 4% - TCB. EIB là mã duy nhất giữ được sắc xanh tăng 2,1%. Trên UPCoM, đà giảm của nhóm ngân hàng chủ yếu dao động 1-3%.

Với vốn hoá chiếm khoảng 30% thị trường, sự lao dốc của nhóm ngân hàng kéo tụt chỉ số, nỗ lực ở chiều ngược lại của cổ phiếu dầu khí, hàng không,… không đủ “cứu” VN-Index. GAS tăng 4,5% lên 116.000 đồng/cổ phiếu, đóng góp gần 2,5 điểm cho VN-Index ở chiều tăng. SAB, VJC, DIG, MSN, PLX, EIB, VHC, HVN, VIC đóng thêm thêm gần 4,5 điểm cho chỉ số.

Nhóm dầu khí tiếp tục gây chú ý trong phiên hôm nay, GAS, PVC, PLX, OIL, PVS, PVD, … đồng loạt tăng điểm. Thông tin hỗ trợ cho nhóm này vẫn là đà tăng của giá dầu thế giới, và căng thẳng địa chính trị leo thang dự báo cầu vượt cung với dầu thô khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đã đẩy giá dầu tăng cao và cổ phiếu dầu khí được chú ý. Chốt tuần qua, giá dầu Brent tăng 1,3%, có tuần tăng giá thứ 8 liên tiếp

Theo VNDirect, sự tăng mạnh của giá dầu được cho là kết hợp của nhiều nguyên nhân: nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19 trong khi nguồn cung đang được kiểm soát một cách thận trọng (OPEC+ trong cuộc họp ngày 2/2/2022 đã giữ nguyên lộ trình tăng sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày). Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng như tình hình nóng lên ở Trung Đông cũng thúc đẩy giá dầu lên cao.

Giá dầu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng, bởi ngoài yếu tố bất ổn ở Trung Đông, căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine, trong thời gian ngắn – trung hạn nguồn cung dầu vẫn bị thiếu hụt khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại sau đại dịch.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn khác là chứng khoán ngập trong sắc đỏ. Ngoại trừ VIX vẫn tăng nhẹ 0,2%, được hỗ trợ từ thông tin sắp sửa chốt danh sách cổ đông để chào bán cổ phiếu tăng vốn, thì toàn bộ các mã khác giảm giá. VCI giảm sàn, APS, CTS, SHS, VND, TVS, BSI, HCM… cũng giảm sâu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 29,75 điểm (-1,98%) xuống 1.471,96 điểm. HNX-Index giảm 5,88 điểm (-1,38%) xuống 421,01 điểm. UPCoM-Index giảm 1,62 điểm (-1,44%) xuống 110,92 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so phiên cuối tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng khoảng 24 % lên 23,838 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 278 tỷ đồng, tập trung vào HPG, HDB, VIC, VHM. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung gom GAS, GMD, NVL…