Những “cô đào”bốc lửa
Lúc 0h tại một quán beer-club (Q.1), Gia Kỳ (28 tuổi) vận chiếc váy đính kim sa lấp lánh khoe đôi chân thon dài, chỉnh lại mái tóc, dặm thêm son phấn rồi tự tin bước lên sân khấu biểu diễn ca khúc theo vũ điệu Latinh nóng bỏng. Nếu lần đầu tiên xem Gia Kỳ biểu diễn, cứ tưởng hát thật. Từ lấy hơi, ngắt quãng khớp từng chi tiết. “Mình làm nghề lip-sync được gần 8 năm rồi. Do khi lip-sync, khán giả tập trung chủ yếu vào phần nhìn nên mình phải chăm chút ngoại hình thật kỹ, từ mặt mũi đến trang phục, càng kiêu sa thì khả năng thành công càng cao” - Gia Kỳ tiết lộ.
Hoàng Ân có hơn 2 năm làm Drag Queen diễn lip-sync kể, để có được gần 5 phút biểu diễn trên sân khấu, Ân phải tranh thủ tập luyện trước đó rất nhiều, tới đêm diễn dành ra 3 giờ đồng hồ cho khâu trang điểm rồi di chuyển sang quán bar, đợi đến nửa đêm mới bước lên sân khấu. Có lợi thế từng là vũ công, Ân dễ dàng chinh phục những vũ điệu sôi động, động tác khó. “Mình không đóng khung trong bất cứ nhân vật nào, có khi là một Diva diễm lệ, hôm khác lại là cô cao bồi mạnh mẽ. Từ Việt Nam đến ngoại quốc, mình đều thể hiện được. Như thế mới được khán giả biết đến” - Hoàng Ân bộc bạch.
Đa số Drag Queen đều là nam giả nữ, chia sẻ cảm giác, họ bảo đã trót mang duyên với nghề nên chấp nhận mọi lời khen chê. Ban ngày, họ là thợ trang điểm, nhà thiết kế, vũ công… Ban đêm, họ hoá thân thành những “cô đào” xinh đẹp cháy hết mình cùng khán giả.
Nghệ thuật Drag Queen được du nhập vào Việt Nam từ những năm 90. Tuy nhiên thời điểm đó những tụ điểm biểu diễn loại hình này không nhiều, định kiến về giới tính ở Việt Nam khá khắt khe, khiến nghệ sĩ không có điều kiện phát triển. Đa số mọi người không công nhận đây là một nghề, mà chỉ xem như một trò đùa vui ở các tụ điểm giải trí.
Không giống như các nước láng giềng như Thái Lan hay Malaysia, mãi cho đến những năm gần đây ở một số thành phố lớn tại Việt Nam mới bắt đầu cởi mở hơn với nghệ thuật Drag Queen. Đặc biệt là ở Sài Gòn, đã có nhiều nhóm biểu diễn Drag Queen chuyên nghiệp được thành lập, đồng thời nhiều tụ điểm tạo điều kiện biểu diễn môn nghệ thuật này giúp khán giả có cơ hội được tiếp cận gần hơn.
Sống với đam mê
Giới Drag Queen làm nghề xuất phát từ đam mê, vì nếu không có đủ đam mê thì chắc chẳng đủ mạnh mẽ đi cùng nghề trong nhiều năm liền. “Nhiều lúc diễn xa, cát-sê nhận không bao nhiêu nhưng em cũng không quan tâm. Được sống và làm nghề mình yêu thích, đồng tiền mình làm ra chân chính thì không có gì phải xấu hổ” - cô đào Mỹ Mỹ khẳng định.
Phương Linh (22 tuổi), sinh viên năm cuối khoa Thiết kế thời trang trường ĐH Công nghệ TPHCM là “tân binh” Drag Queen diễn hát nhép kể, mặc dù nghề không cạnh tranh nhiều nhưng cũng không dễ nổi tiếng. Chỉ những Drag Queen có tên có tuổi mới được chủ quán bar, vũ trường mời diễn. Rồi “người đi trước rước người đi sau”.
Để thu hút khán giả, nghệ sĩ diễn lip-sync phải dùng nhiều chiêu trò, thủ thuật. Càng “bung lụa”, nhảy múa cuồng nhiệt, càng gây phấn khích cho khán giả càng tốt. Nhờ có lợi thế tiếng Anh, Phương Linh dễ dàng hóa thân thành các ca sĩ nổi tiếng nước ngoài và ngày càng khẳng định khả năng của mình.
Biết con trai thường xuyên giả gái diễn Drag Queen, mẹ của Rose (25 tuổi) phản đối dữ dội. Mẹ bảo con trai ăn học đàng hoàng, có bằng kinh tế loại ưu lại làm cái nghề không giống ai. Nhưng mình biết đây mới chính là đam mê của mình - Rose trải lòng.
Thời gian đầu, Rose không nhận được nhiều sô diễn do ít kinh nghiệm. Rồi dần dần, anh cũng có mối quen, được nhiều người biết đến. Công việc phải hoá trang thành nữ, ăn mặc sexy, làm trong quán bar và về rất khuya... nhưng Rose cam kết đây là một công việc chứ không phải chơi bời hư hỏng. Nhất là phải làm nghề sạch, kiếm tiền chân chính. “Mình thấy xã hội bây giờ bắt đầu cởi mở hơn rất nhiều. Trên facebook, mình thường xuyên cập nhật những hình ảnh hóa trang thành nữ, nhiều bạn bè, người quen vào khen xinh, họ động viên và hỏi diễn ở đâu để đến xem chứ không hề kỳ thị. Mẹ mình giờ cũng mở lòng, vì thế mình tin chỉ cần theo đuổi đam mê tới cùng thì những người yêu thương sẽ luôn ủng hộ”- Rose tâm sự.
Một quản lý quán bar club trên đường Nguyễn Huệ (Q.1) thừa nhận, quán thường xuyên thuê người hát nhép về biểu diễn. “Hiện nay có nhiều người hát lip-sync rất chuyên nghiệp, thần thái không thua ca sĩ chuyên nghiệp. Họ còn rất biết tạo không khí cho đêm tiệc bằng những tiết mục độc đáo, có sự đầu tư… Và đặc biệt là cát-sê không hề đắt như khi thuê ca sỹ nổi tiếng” - vị này nói.
"Có ý kiến cho rằng, “chơi” lip-sync là vi phạm bản quyền ca khúc của tác giả sáng tác, của ca sĩ từng thể hiện, thậm chí có cả đề nghị nên nghiêm cấm và “bắt” dừng lại việc tạo nên các đoạn lip-sync. Thế nên dù có đôi khi muốn đăng những đoạn lip-sync lên Facebook, Youtube để quảng bá mình thì cũng không thể, chỉ trừ khi mình hát thật bằng giọng của mình; nhưng hát thật thì không còn gọi là lip-sync nữa” “Nhép sĩ” Tiểu Bảo Vy cho biết