Kỳ hai:

Có dấu hiệu để lọt tội với trùm giang hồ Dũng 'Phương'

TP - Số báo trước, Tiền Phong đã nêu những diễn biến bất ngờ trong vụ án triệt phá băng nhóm tội phạm nguy hiểm Trần Quốc Dũng tức Dũng “Phương” ở Quảng Ninh. Số báo này phân tích những dấu hiệu lọt tội, dẫn đến hình phạt chưa thỏa đáng dành cho đối tượng cầm đầu băng nhóm.
Đại bản doanh của Dũng “Phương” trong khu vực mỏ than Mông Dương

Đình chỉ vụ án không đủ căn cứ

CQĐT đã đề nghị trong kết luận điều tra, nhưng Viện KSND tỉnh Quảng Ninh bất ngờ đình chỉ vụ án “cố ý gây thương tích” đối với Dũng “Phương”, với lý do “bị hại Phùng Viết Thắng có đơn rút đơn yêu cầu khởi tố”.

Không phải cứ bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án lập tức đình chỉ. Pháp luật hình sự quy định cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ bị hại không bị đe dọa, ép buộc, khi đó việc rút yêu cầu khởi tố mới được chấp nhận.

Trong vụ án này, anh Thắng rút yêu cầu khởi tố là do sức ép từ các đàn em Dũng “Phương”, điều này thể hiện ngay trong kết luận điều tra: “Sau khi tố cáo, anh Thắng rất lo sợ tiếp tục bị đàn em của Dũng trả thù, nên đã bỏ nhà đi nơi khác. Đến ngày 26/6/2013, vì lo sợ liên lụy đến những người trong gia đình, anh Thắng phải đi cùng Trần Hùng (em trai Dũng) đến CQĐT gửi đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Dũng. Xét thấy việc rút đơn của anh Thắng có căn cứ trái với ý muốn, CQĐT vẫn tiến hành tố tụng đối với bị can Trần Quốc Dũng”.

Một bị hại khác trong vụ án là anh Lê Nhật Quang cũng vì lo sợ Dũng “Phương” và đàn em hắn trả thù, nên đã rút đơn tố cáo. Chỉ sau khi Dũng “Phương” bị bắt, anh Quang mới tiếp tục làm đơn tố cáo. Nhiều bị hại khác trong các vụ việc trước đây, cũng do lo sợ Dũng “Phương” và đàn em hắn trả thù nên không dám tố cáo, không dám giám định thương tật, khiến việc xử lý băng nhóm Dũng “Phương” bế tắc (Tiền Phong đã có bài phản ánh).

Việc đình chỉ vụ án “cố ý gây thương tích” đối với Dũng “Phương” tạo thêm một tiền lệ nữa, gây hoang mang sợ hãi cho người dân TP Cẩm Phả. Nó cũng khiến nhiều cán bộ CQĐT không đồng tình, bởi họ đã rất vất vả, vượt qua nhiều sức ép, mới có thể khởi tố, bắt giam trùm tội phạm này.

Lọt tình tiết định khung “có tổ chức”

Trong vụ án gây ra với anh Lê Nhật Quang, Dũng “Phương” bị truy tố về tội “giữ người trái pháp luật”. Tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã bỏ lọt tình tiết “có tổ chức” đối với Dũng “Phương” và đồng bọn.

Theo kết quả điều tra, do nghi ngờ anh Quang đến dò la bãi than của Dũng “Phương”, các đàn em hắn đã đuổi bắt, trói, đánh anh Quang, rồi gọi điện cho ông trùm đến giải quyết. Dũng “Phương” không tham gia giai đoạn này, nên không bị truy cứu về các hành vi “bắt người trái pháp luật”, “cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, sau khi được đàn em báo tin, Dũng “Phương” chỉ đạo tiếp tục giữ anh Quang, chờ Dũng đến. Khi ông trùm đến, lúc này anh Quang đang bị nhiều thương tích song hắn không cho anh đi cấp cứu, tiếp tục giữ anh để hắn trực tiếp tra khảo.

Bị hại trong vụ đàn em Dũng “Phương” gây rối tại Cty TNHH Thảo Nguyên

Khi biết anh Quang làm việc cho anh Trường, Dũng “Phương” phân công một số đàn em trông giữ anh Quang, còn Dũng cầm đầu “đại quân” đi “trừng phạt” anh Trường. Sau khi đánh đập nhiều người tại bãi than của anh Trường, Dũng “Phương” cho đàn em áp giải anh Quang đến để đối chất với anh Trường. Chỉ khi thấy mọi người đã thực sự khiếp sợ, Dũng “Phương” mới trả tự do cho anh Quang.

Có thể thấy rất rõ việc Dũng “Phương” giữ người trái pháp luật là hành vi phạm tội có tổ chức, có bàn bạc, phân công, có người chỉ đạo và có người thừa hành, và Dũng “Phương” chính là kẻ chủ mưu, cầm đầu.

Lọt tội “gây rối trật tự công cộng”

Theo kết quả điều tra, khi đến bãi than của anh Trường, Dũng “Phương” và đồng bọn đã thực hiện hàng loạt hành vi trái pháp luật: Nổ súng bắn vào người trên chòi canh; dùng báng súng, gậy gỗ, tuýp sắt đánh nhiều người; thu giữ điện thoại và bắt mọi người quỳ xuống đất...

Tuy chưa đủ cấu thành các tội “giết người”, “cố ý gây thương tích”, “cướp tài sản”, song những hành vi của Dũng “Phương” và đồng bọn đã đủ yếu tố cấu thành tội “gây rối trật tự công cộng”, với các tình tiết “có dùng vũ khí”, “có tổ chức”, theo Điều 245 Bộ luật Hình sự.

Vụ việc trên hoàn toàn giống vụ Tuấn “Phương” (em trai Dũng “Phương”) và đồng bọn gây rối tại khu lán trại Cty TNHH Thảo Nguyên (Tiền Phong đã có bài phản ánh). Hai vụ đều có đông người tham gia, có tổ chức chặt chẽ, có sử dụng vũ khí, vô cớ xông vào khu vực sản xuất, kinh doanh của người khác, ngang nhiên đánh người và bắt họ quỳ xuống đất, khiến sản xuất, kinh doanh đình trệ, mọi người khiếp sợ…

Vụ án tại Cty TNHH Thảo Nguyên đã được TAND TP Cẩm Phả xét xử ngày 6/2/2014 theo tội danh “gây rối trật tự công cộng” với các tình tiết “có dùng vũ khí”, “có tổ chức”. Với những hành vi tương tự, không truy cứu trách nhiệm hình sự Dũng “Phương” và đồng bọn là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Cần thiết kháng nghị

Từ dấu hiệu bỏ lọt tội “gây rối trật tự công cộng”, bỏ lọt tình tiết định khung “có tổ chức” đối với tội “giữ người trái pháp luật”, dẫn đến Dũng “Phương” chỉ phải nhận hình phạt nhẹ nhất so với các đồng phạm.

Sự việc khiến người ta liên tưởng đến vụ án Nguyễn Tiến Phương tức Phương Ninh Hột phạm tội “giết người”. Ban đầu, Phương Ninh Hột không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau khi các cơ quan T.Ư vào cuộc, Phương mới bị khởi tố về tội “che giấu tội phạm”, sau đó đổi thành “giết người”. Cuối cùng, ông trùm tội phạm vùng biên Đông Bắc đã bị xét xử với vai trò đầu vụ và bị tuyên phạt tử hình.

Đông đảo người dân Quảng Ninh mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật T.Ư sẽ kháng nghị bản án sơ thẩm ngày 17/3/2014 đối với Dũng “Phương” và đồng bọn, để xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại, không để lọt tội, làm rõ vai trò của kẻ cầm đầu băng nhóm.