Ngoại ô có một bảo tàng
Ý tưởng xây dựng một bảo tàng chuyên về áo dài đã được Sỹ Hoàng ấp ủ từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 1998 ông mới bắt tay vào viết đề cương cho dự án này và chọn vùng đất ruộng ở Long Thuận (quận 9) để triển khai. Thời điểm đó Long Thuận còn hoang sơ, cách xa trung tâm, nhiều người cho rằng việc dựng một bảo tàng áo dài ở khu vực này không hợp lý, sẽ rất ít khách chịu đến bảo tàng. Nhưng Sỹ Hoàng vẫn quyết làm bởi tin tưởng trong tương lai, khu vực này sẽ trở lên trù phú. “Muốn xây dựng bảo tàng, cần một diện tích đất rộng, mà đất rộng thì chỉ có đất ruộng thôi. Hơn nữa, bảo tàng cần một nơi có hệ sinh thái sông rạch, cảnh quan đủ tạo nên một không gian văn hóa Việt” - Niềm tin này của Sỹ Hoàng đã đúng, khi tới thời điểm này, Long Thuận đã trở thành khu văn hóa mới của thành phố với những phim trường, nhà thờ Tổ nghệ sỹ....
Sau 4 năm viết đề cương, dự án Bảo tàng Áo dài được xúc tiến xây dựng. Sỹ Hoàng lựa chọn phong cách làng quê Việt Nam để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài. Bước vào cổng bảo tàng, bên dưới những rặng cây tỏa bóng mát, du khách sẽ nhận thấy sự quen thuộc khi cảnh làng quê Việt Nam hiện ra, từ hình ảnh cây đa bến nước của miền quê Bắc bộ, hình ảnh Chùa Cầu cổ kính miền Trung, con đò ven rạch cùng cây cầu khỉ của miền Nam... Và xen kẽ giữa phong cảnh đó là những ngôi nhà gỗ mái ngói ba gian cổ kính.
Chiếc áo dài hiện diện
Phần hiện vật là một khó khăn không nhỏ với Sỹ Hoàng. Một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, chiếc áo dài tưởng như đã bị quên lãng, nhiều tư liệu lịch sử về áo dài, nhiều hiện vật áo dài bị lãng quên. Sỹ Hoàng đi đến nhiều nơi, thu thập tìm hiểu rất nhiều mới có thể cho ra được lịch sử của chiếc áo dài Việt dọc theo thời gian. May mắn là dù bị mai một rất nhiều nhưng Sỹ Hoàng cũng đã tìm được những chiếc áo dài cũ, những hiện vật- nhân chứng sống về áo dài để có được bộ sưu tập khá hoàn chỉnh.
Điểm nhấn của Bảo tàng Áo dài là khu trưng bày về lịch sử áo dài Việt Nam. Từ chiếc áo dài tứ thân thế kỷ 17 tới áo dài 5 thân đến áo dài Vương triều ở thế kỷ 19, rồi chiếc áo dài cổ cao, áo dài cổ hẹp, áo dài cổ Hippy những năm 50 thế kỷ 20 đều hiện diện trong bảo tàng. Rồi từ việc cải tiến áo dài, các nhà thiết kế đã có những thay đổi cho phù hợp với thời cuộc cũng như xu hướng thời trang hiện đại; Chiếc áo dài vẽ hoa, áo dài thổ cẩm, đến việc đính trang sức, áo khoác bên ngoài áo dài xuất hiện từ những năm 80 thế kỷ trước... Không chỉ có thế, khu trưng bày lịch sử áo dài còn có sự hiện diện của những mẫu vật gốc: những chiếc áo dài đã từng làm đẹp cho doanh nhân, nghệ sỹ, những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực từ y học cho tới ngoại giao, giáo dục...
Nhưng Bảo tàng Áo dài không chỉ nói về lịch sử chiếc áo dài mà Sỹ Hoàng còn mở rộng với nhiều khu khác nhau, gắn với những di sản văn hóa Việt như: Áo dài với nhã nhạc cung đình Huế, áo dài với Quan Họ, hát Then, hát Xoan, Đờn ca tài tử.... Rồi những chiếc áo dài Hội nhập với thiết kế ảnh hưởng bởi trang phục của các quốc gia khác như áo dài Việt - Nhật, áo dài Việt Phi, áo dài Việt - Mỹ, áo dài Việt- Trung... Hình ảnh chiếc áo dài gắn với đời sống người dân như áo dài trong đám cưới, áo dài trong lễ hội, áo dài trong các cuộc thi nhan sắc... Qua bảo tàng, dường như đời sống của chiếc áo dài hiện diện rõ nét, gắn bó với sự phát triển của đất nước cả về kinh tế, văn hóa.
Sau ngày khánh thành vào năm 2014, Sỹ Hoàng vẫn tiếp tục tìm kiếm hiện vật và mở rộng thêm các dịch vụ bổ trợ như Café Áo dài, Thư viện Áo dài, khu trải nghiệm… để du khách đến không chỉ tham quan mà còn có thể giải trí, thư giãn. Ngoài ra, nhờ khung cảnh đẹp, rộng rãi, Bảo tàng Áo dài còn tổ chức nhiều hoạt động cho thuê trang phục, dịch vụ đám cưới, tổ chức triển lãm chuyên đề hay các hội thảo... Như dịp tháng 3 này bảo tàng đang tổ chức triển lãm về bà Kim Ngọc- Phu nhân giáo sư Nguyễn Văn Huyên- Nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục. Theo cô Hồng Nhung, hướng dẫn viên bảo tàng cho biết, triển lãm diễn ra quanh năm, thu hút khá đông khách tham quan, tìm hiểu.
Dịp Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh, nhiều người lại tìm đến Bảo tàng để được sống trong không gian áo dài, để được ướm thử tà áo dài lên mình và cảm nhận cái đẹp của cha ông lưu lại. Gặp nhóm học sinh trường Trung học phổ thông Long Trường đang tíu tít chụp hình với chiếc áo dài cổ, một em bảo với chúng tôi: “Em không ngờ cha ông ta đã khéo léo làm được chiếc áo dài đẹp như thế. Nhờ bảo tàng em mới hiểu ý nghĩa của chiếc áo dài chúng em mặc hàng ngày. Đó là sự kết tinh trí tuệ của bao thế hệ”.