Những "người lính đa nhiệm" ở vùng sông nước
“Canh gác” không ngừng nghỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của những người lính truyền tải điện chúng em trên dọc tuyến đường dây 220kV nối liền Campuchia từ hơn 14 năm nay”, anh Trương Quốc Nam, Nhân viên vận hành đường dây Đội Truyền tải điện Châu Đốc nói với chúng tôi trong khi điều khiển thiết bị bay không người lái bay dọc tuyến đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo với những hàng cột ngập sâu trong "biển nước" mênh mông của vùng sông nước An Giang.
Anh Nam cho biết, theo kế hoạch, một tháng các đội đi kiểm tra tuyến đường dây bốn lần. Mùa nước nổi, nước có thể dâng cao vài mét nên các phương tiện thủy có thể gặp nguy hiểm khi đi qua các đường dây cao áp. Khó khăn nhất là một số nơi có đò để đi thì dễ. Còn những nơi khác chỉ ngập nông khoảng 1m, anh em phải bỏ hết quần áo, bơi ra từng cột để kiểm tra. “Đi kiểm tra đường dây gặp sóng lớn, lật xuồng, anh em trong đoàn ướt như chuột là việc từng xảy ra”, anh kể.
Anh Huỳnh Thế Vinh, Đội trưởng Đội truyền tải Châu Đốc cho biết, có tuyến đường dây 220kV Châu Đốc – Tà Keo, với tổng số 89 trụ điện trải dài trên địa bàn nhiều xã, thị trấn, là đường dây cấp điện trực tiếp cho nước bạn Campuchia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hợp tác phát triển và tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam- Campuchia. Vì vậy, các anh em trong các đội truyền tải điện miền Tây 3 luôn ý thức việc chỉ cần để xảy ra sự cố trên tuyến đường dây, toàn bộ việc vận hành, truyền tải điện mỗi năm lên tới hơn 1 tỷ kWh sang Campuchia sẽ ảnh hưởng rất lớn cho việc cấp điện cho người dân, doanh nghiệp nước bạn.
Theo anh Vinh, đường dây tại khu vực biên giới huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đi qua biên giới nên việc vận hành và quản lý khá phức tạp. An Giang có đặc thù tập trung nước đầu nguồn từ sông Mê Kong đổ về nên mỗi khi mùa nước lên, nước sông dâng cao, nhiều nơi ngập sâu tới 3m, phủ trắng xoá các cánh đồng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho đường dây và vận hành. Trong giai đoạn mùa nước nổi, toàn bộ di chuyển chủ yếu của anh em truyền tải buộc phải dùng thuyền.
“Khi mới vào nghề, tôi và anh em trong tổ được phân công đi bảo dưỡng đường dây bằng xuồng. Do mùa lũ, ở khu vực cột đó lại không có xuồng nên anh em phải bơi ra. Bơi gần đến cột thì tôi bị chuột rút, suýt chết đuối. May đồng đội đi cùng quay lại kéo lên, dìu vào cột”, anh Vinh nhớ lại.
Anh Dương Văn Trường, Đội phó Truyền tải điện Châu Đốc cho biết, truyền tải điện không chỉ là nghề đặc thù với muôn vàn khó khăn vất vả, làm truyền tải điện ở khu vực biên giới với đặc thù sông nước mênh mông còn khó khăn gấp bội. Không chỉ đòi hỏi được đào tạo bài bản chuyên ngành về điện, các kỹ sư vận hành của đội còn sử dụng thông thạo tiếng Anh để trao đổi với đơn vị truyền tải nước bạn, tiếng Khơ Me để trao đổi với người dân địa phương. Ngoài ra, những "người lính" truyền tải điện của Truyền tải điện miền Tây 3 còn phải trải qua rèn luyện kỹ lưỡng để có thể làm đa nhiệm vụ: từ làm kỹ thuật dưới mặt đất, kiểm tra sạt lở bê tông móng, sơn chống sét, khai hoang cây cối, phòng chống thiên tai, làm tuyên truyền viên đến làm kỹ sư điều khiển các thiết bị bay không người lái hiện đại nhất để bay kiểm tra đường dây truyền tải điện.
Không chỉ phải đối mặt rủi ro khi bảo dưỡng, kiểm tra vận hành đường dây vào mỗi mùa nước nổi, các cán bộ truyền tải điện còn phải học các kỹ năng dân vận, tuyên truyền người dân chằng néo mái nhà, vật bay gần trạm điện, đường dây truyền tải điện đảm bảo an toàn cho người dân, học cách "ngoại giao" để người dân hỗ trợ, dùng thuyền giúp vận chuyển người, trang thiết bị đến các điểm cần bảo dưỡng, sửa chữa.
“Nhờ am hiểu tiếng Khơ Me, thường xuyên vận động, tuyên truyền và xắn tay hỗ trợ cho bà con trong cuộc sống hàng ngày nên "lính" truyền tải điện luôn được bà con ưu ái giúp đỡ vận chuyển miễn phí ra kiểm tra, bảo dưỡng các cột tuyến đường dây tại những nơi bị nước ngập sâu trong bất kể thời tiết”, anh Trường vui vẻ kể.
Vì dòng điện truyền tải an toàn, liên tục
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Châu Sóc Kha, Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3 – Công ty Truyền tải điện 4 cho biết, do đặc thù khu vực đường dây đi qua có đoạn giáp biên giới nên việc di chuyển của anh em công nhân truyền tải điện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi thực hiện kiểm tra vào ban đêm. Nhận biết được điều đó, nên lãnh đạo Công ty và đơn vị đã có chỉ đạo phối hợp với Công an huyện Tịnh Biên và Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên thực hiện ký kết phương án phối hợp bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên ngành điện thực hiện nhiệm vụ. Khi thực hiện công tác, các cán bộ, công nhân viên luôn tuân thủ các quy định như: mặc đồng phục ngành, mang theo giấy tờ như thẻ cán bộ, công nhân viên, giấy đi đường có xác nhận của thủ trưởng đơn vị … để trình cho cơ quan chức năng khi cần.
Theo ông Châu Sóc Kha, khó khăn thứ 2 với những "người lính" truyền tải điện miền Tây 3 là điều kiện tự nhiên khu vực đường dây đi qua vào khoảng tháng 8 đến tháng 12 hàng năm đều có nước lũ tràn về ngập khắp các cánh đồng.
“Mực nước lũ dâng cao hơn mặt đất tự nhiên từ 2-3m, phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe, xuồng vì vậy cũng gây khó khăn cho anh em trong quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người công nhân khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, với trách nhiệm đảm bảo vận hành an toàn đường dây và an toàn cho người lao động, công ty đã tổ chức huấn luyện kỹ năng bơi cho tất cả cán bộ, công nhân viên của đội và trang bị áo phao cho anh em mặc khi di chuyển trên sông nước. Vì vậy mà những khó khăn ban đầu anh em đã vượt qua”, ông Kha cho hay.