Chuyện gì tiếp theo cho Bản Hiến pháp châu Âu?

(TPO) Khi giới lãnh đạo châu Âu vẫn chưa hết sốc về việc Pháp và Hà Lan nói "không" với Hiến pháp EU, thì mối quan tâm lớn nhất hiện nay là số phận bản Hiến pháp sẽ đi về đâu?

Hiến pháp Châu Âu sẽ không thể có hiệu lực nếu không được thông qua bởi tất cả 25 nước thành viên EU. Điều này đã được khẳng định rõ trong  Điều IV-447của dự thảo.

Mặc dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan, về mặt nguyên tắc, không mang tính bắt buộc, song chính phủ nước này cũng không thể phớt lờ ý kiến của số đông dân chúng. Vì thế, kết quả bỏ phiếu tại Hà Lan và Pháp đều mang ý nghĩa rằng sẽ không có bản Hiến pháp chung nào cả.

Tiếp theo sẽ là gì?

Một cuộc họp thượng đỉnh EU với tên gọi Hội đồng châu Âu sẽ được tổ chức vào hai ngày 16-17/6 tại Brussels. Cuộc họp này sẽ xem xét lại một cách nghiêm túc việc có tiếp tục quá trình phê chuẩn dự thảo hiến pháp tại các nước khác nữa hay không. Hay tuyên bố bản Hiến pháp đã chết.

Ông chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso muốn tất cả các chính phủ thành viên vẫn tiếp tục triển khai thủ tục thông qua để kiểm tra xem cán cân quan điểm cuối cùng nghiêng về phía nào.

Có kế hoạch B hay không?

Không hẳn. Tuy nhiên, về mặt thủ tục, sẽ có giải pháp thảo luận để tháo gỡ bế tắc. Trong bản dự thảo có nói rằng nếu như sau 2 năm kể từ khi dự thảo Hiến pháp được ký (tức ngày 29/10/2004), 20 quốc gia thành viên đã phê chuẩn nhưng những thành viên khác "gặp khó khăn", vấn đề sẽ được "chuyển sang cho Hội đồng châu Âu".

Dự thảo Hiến pháp không nói Hội động châu Âu sẽ làm gì hay xử lý ra sao. Có thể Hội đồng sẽ tìm cách hồi sinh cho bản dự thảo bằng cách nào đó, hoặc cố gắng chấp thuận trong một khuôn khổ quyền hạn có mức độ.

EU có "xoay sở" được khi không có Hiến pháp chung?

Được. EU sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trên nền những hiệp ước hiện hành. Chính hướng đi của EU trong tương lai mới là câu hỏi lớn nhất hiện nay.

Có thể đàm phán lại về bản Hiến pháp ?

Có thể một vài chính phủ sẽ đề xuất cái gọi là "Hiến pháp hoá thạch", nhưng đề xuất này cũng phải mất vài năm để thương thảo. Một số người khác có thể gợi ý những hình thức cải tổ ở mức độ nhẹ hơn để không cần phải thay đổi Hiến pháp. Thậm chí nhiều người sẽ vẫn cố thúc đẩy việc "hoà nhập châu Âu" bằng sức của riêng mình, hình thành nên một tiểu hạt nhân. Nhưng không có khả năng nào trong số này xảy ra một cách chóng vánh cả.

Những nước nào đã thông qua Hiến pháp?

Áo, Hungary, Italia, Đức, Hy Lạp, Lithuania, Slovakia, Slovenia, Latvia và Tây Ban Nha.

Những nước nào sẽ trưng cầu dân ý tiếp?

Luxembourg: 10 tháng 7; Đan Mạch : 27 tháng 9, Ai len: cuối năm 2005, Bồ Đào Nha: cuối  2005; Anh: từ tháng 4 đến tháng 6/2006. Cộng hoà Séc: tháng 6/2006. Ba Lan: chưa định ngày.

Nguy cơ nào đang chờ đợ EU?

EU sẽ vẫn phải quyết định họ muốn trở thành một khối như thế nào? - một tổ chức chặt chẽ trong đó các quốc gia thành viên nhượng bộ hoặc chia sẻ đáng kể đặc quyền của mình, hoặc một tổ chức nới lỏng hơn với những quốc gia thành viên độc lập? Bản dự thảo hứa hẹn trong khi xiết chặt yếu tố "chung" trên nhiều lĩnh vực, quyền quyết định của các vấn đề trọng yếu như chính sách đối ngoại, thuế và quốc phòng vẫn thuộc các nước thành viên.

EU cũng sẽ phải đối mặt với sự "vênh nhau" trong quan điểm của người dân với các chính trị gia.