Chuyển đổi số là chìa khóa thành công của Vietcombank

Thông qua việc số hóa, Vietcombank có được “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều bất lợi do đại dịch COVID–19 gây ra. Ứng dụng thành công chuyển đổi số cũng tạo ra động lực và sức bật để gia tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt.

Công nghệ đóng vai trò then chốt trong giai đoạn “bình thường mới”

Từ đầu tháng 4/2020, khi các yêu cầu về giãn cách xã hội được triển khai, khái niệm “work from home” (làm việc từ xa), tham gia các nền tảng hội nghị trực tuyến và mua sắm trên mạng đã dần trở nên phổ biến với đa số người Việt Nam. Đặc biệt với ngành Ngân hàng, theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dưới tác động của đại dịch COVID–19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng trưởng đột biến.

Nguồn: theo báo cáo của WeAreSocial & Hootsuite, tháng 1/2021

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cụ thể, theo báo cáo của WeAreSocial & Hootsuite, khi khảo sát người dùng internet trong độ tuổi từ 16 đến 64, việc sử dụng điện thoại di động vào các giao dịch mua sắm trực tuyến đã tăng từ 55% trong năm 2019 lên 68,5% trong năm 2020. Từ đó kéo theo việc các dịch vụ ngân hàng và tài chính cũng có xu hướng gia tăng từ 36% trong năm 2019 lên 40,1% trong năm 2020 bởi những người trước kia từng cân nhắc tương tác điện tử, giờ đây lại chuyển sang chấp nhận sử dụng các ứng dụng ngân hàng số như một thói quen “bình thường mới”.

Vietcombank tiếp tục là sự lựa chọn ưu tiên của hàng triệu khách hàng tại Việt Nam

Quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, dần thay thế cho nền tảng kinh doanh truyền thống dưới tác động sâu rộng của đại dịch COVID–19. Theo đó, Vietcombank đã chủ động triển khai chuyển đổi số trên toàn hệ thống và gặt hái được những kết quả khả quan ban đầu.

Thứ nhất, VCB Digibank – dịch vụ ngân hàng số hiện đại có sự chuyển biến đột phá từ giao diện trải nghiệm đến tính năng sản phẩm đã ra mắt từ năm 2020. Đến nay, sau hơn nửa năm triển khai, số lượng khách hàng đăng ký mới để sử dụng VCB Digibank hàng tháng tăng gấp đôi so với trước đó và số lượng giao dịch tăng hơn 30%.

Thứ hai, với mục tiêu tối ưu lợi ích và tạo sự thuận tiện cho khách hàng, Vietcombank thiết kế để khách hàng có thể đăng ký 4 gói tài khoản mới rất đơn giản. Cụ thể, khách hàng đang sử dụng dịch vụ VCB Digibank có thể dễ dàng lựa chọn và đăng ký cho mình một gói tài khoản phù hợp với nhu cầu giao dịch của cá nhân ngay trên ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank.

Từ đầu tháng 2, Vietcombank chính thức ra mắt 4 gói tài khoản hoàn toàn mới dành cho khách hàng cá nhân với nhiều ưu đãi vượt trội khi giao dịch thẻ và giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank. Bốn gói tài khoản mới bao gồm: VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced

Nguồn: Vietcombank

Cụ thể, gói VCB Eco dành cho khách hàng có nhu cầu giao dịch cơ bản với ưu đãi miễn phí chuyển khoản trong hệ thống Vietcombank. Gói VCB Plus và Gói VCB Pro dành cho những khách hàng có giao dịch thường xuyên với ưu đãi miễn toàn bộ phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống qua VCB Digibank. Gói VCB Advanced phù hợp với khách hàng kinh doanh hoặc mua sắm trực tuyến khi được tích hợp thẻ ghi nợ quốc tế Visa Platinum với ưu đãi hoàn tiền 0,3% giá trị chi tiêu, tối đa lên đến 5 triệu đồng mỗi quý. Đặc biệt, khi sử dụng các Gói tài khoản này, khách hàng chỉ cần đóng 01 mức phí “trọn gói”, các phí riêng lẻ của từng dịch vụ trong gói đều được hoàn toàn miễn phí.

Thứ ba, tại Vietcombank, câu chuyện chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ với lộ trình cụ thể, cùng các công cụ đo lường mức độ hoàn thiện qua từng giai đoạn. Trước tiên phải kể đến việc thay đổi hệ thống ngân hàng lõi (core banking system) vào đầu năm 2020 đã mang đến tầm vóc mới cho Vietcombank thông qua việc đẩy nhanh tốc độ giao dịch cũng như tối đa hoá ứng dụng Công nghệ thông tin trong từng sản phẩm dịch vụ, cùng nhiều dự án chuyển đổi mới. Song song với phát triển sản phẩm, việc tăng cường truyền thông về công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như thanh toán không dùng tiền mặt, các vấn đề sở hữu dữ liệu, quản trị rủi ro cũng thường xuyên được đẩy mạnh nhằm hướng đến hai mục tiêu chính: (i) Định hướng người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới và (ii) Nâng cao hiểu biết tài chính của người dân, tránh các mô hình tín dụng đen và các hình thức lừa đảo.