Tại Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Quá trình chuyển đổi xanh được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt được các mục tiêu trung lập và bền vững về khí hậu. Quá trình chuyển đổi số là một quá trình thay đổi liên tục nhờ vào công nghệ số.
Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.
Theo ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Diễn đàn: “Kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net-zero; thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, không gian vật lý hợp nhất với không gian số (còn được gọi là không gian thực - ảo). Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, công nghiệp dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu. Cho phép tổ chức lại các nguồn lực đổi mới xuyên vùng, miền thông qua các nền tảng số. Áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và tiến tới mục tiêu Net-zero bởi bản chất chuyển đổi số là tạo ra 03 xu hướng chính là phi vật chất hóa, phi trung gian hóa, phi tập trung hóa”.
Phát triển kinh tế số có nhiều cơ hội như: Kinh tế số tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP. Kinh tế số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ, do hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu, sinh ra nhiều rác thải điện tử, nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh. Do đó, quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.
TS. Chử Đức Hoàng – Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết:
Đổi mới công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Đổi mới công nghệ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 có nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và Kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Áp dụng các công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (BigData) giúp doanh nghiệp tăng 15-20% doanh thu, giảm10-15% chi phí vận hành và ra quyết định nhanh hơn 5 lần.
Đổi mới công nghệ tạo ra các mô hình kinh doanh và dịch vụ số mới: Ứng dụng công nghệ Blockchain và hợp đồng thông minh trong logistic giúp giảm 20% chi phí, 70-80% thời gian xử lý chứng từ và nâng cao tính minh bạch, an toàn trong chuỗi cung ứng; Dịch vụ tài chính số (Fintech) thu hút đầu tư 1,5tỷ USD trong giai đoạn 2016-2021, chiếm 11% tổng vốn đầu tư”.
Đổi mới công nghệ giúp giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu: Thay thế 1 triệu xe máy truyền thống bằng xe máy điện giúp giảm 1,8 triệu tấn CO2 mỗi năm; Áp dụng công nghệ Carbon Capture, Utilization and Storage (CCUS) có thể giảm 20-40% lượng khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than.
Đổi mới công nghệ góp phần phát triển các ngành công nghiệp môi trường: Thị trường xử lý nước thải, chất thải và tái chế của Việt Nam được dự báo đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng 12-14%/năm; Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ xanh của Việt Nam tăng trưởng bình quân 15%/ năm giai đoạn 2016-2020, đạt 10,6 tỷ USD năm 2020.