Chuyện cuối tuần: Trận đấu nổi tiếng ngày Giáng sinh Thế chiến I, khi lính hai bên ngừng bắn, tặng quà và chơi bóng

TPO - Bóng đá có sức mạnh thần kỳ, giúp gắn kết mọi người và hóa giải nỗi đau. Thậm chí, ngay trong cuộc chiến khốc liệt nhất, nó có thể khiến những người lính quên đi sự thù địch và thôi bắn giết. Đó là câu chuyện đã xảy ra ở Thế chiến I.  

Khi những tiếng súng đầu tiên vang lên vào tháng 8/1914, châu Âu không biết rằng họ đang bước vào cuộc chiến đẫm máu, được gọi là Thế chiến thứ nhất, cướp đi sinh mạng hàng triệu người. Mặc dù vậy, chứng kiến cả trăm ngàn người ngã xuống trong 6 tháng đầu cuộc chiến, ý tưởng lạc quan về một cuộc chiến ngắn ngày đã bị dập tắt.

Rồi mùa đông đến, ở mặt trận phía Tây, trong thế trận giằng co, chiến tranh chiến hào hình thành. Mạng lưới hào rộng lớn, được đào bởi hai bên, dần lan rộng khắp miền bắc nước Pháp và miền nam nước Bỉ. Những cuộc giao tranh vẫn tiếp tục, giữa Lực lượng viễn chinh Anh và quân đội Đức. Xác chết nằm ngổn ngang ở nơi gọi là “Vùng đất không người”, khu vực ngăn cách hai phe, đồng thời giết luôn những hy vọng về tương lai tươi sáng của những người lính còn sống.

Vì vậy, không một ai để ý đến việc Giáng sinh tới. Tuyết rơi dày. Khắp nơi chỉ một màu trắng xóa, càng làm tăng thêm sự ảm đạm nơi chiến trường.

Những người lính Anh ở Mặt trận phía Tây vào mùa đông tuyết trắng.

Đột nhiên có cái gì đó đang xảy ra. Những người lính Anh chợt nhận thấy sự khác thường. Bên phía Đức có những tiếng náo động, nhưng không phải tiếng súng. Rồi tiếng hát cất lên. Nghe xem nào. Là bài Silent Night, phiên bản tiếng Đức là Stille Nacht (bài hát Giáng sinh phổ biến ở châu Âu sáng tác năm 1818).

“Đó là một đêm trăng đẹp, tuyết phủ trắng xóa”, binh nhì Albert Moren thuộc Trung đoàn Nữ hoàng thứ hai kể lại, “Khoảng 7 hay 8 giờ tối gì đó, chúng tôi thấy bên chiến hào quân Đức xôn xao. Có cả ánh sáng lập lòe mà tôi không biết là gì. Và họ hát, những giai điệu thật đẹp của bài Silent Night”.

Còn theo Alfred Dougan Chater, Thiếu úy Trung đoàn 2, trong lá thư gửi về cho mẹ, viết rằng “một cảnh tượng đặc biệt chưa từng thấy đã xuất hiện, khi quân Đức tay không vũ khí bỗng trèo qua chiến hào và cất lời chào hỏi”.

Hình ảnh về sự thân thiện giữa hai thế lực đối địch trên chiến trường được vẽ bởi tờ London Illustrated News trong ấn bản tháng 12/1914.

Hình ảnh người Đức ngồi trong chiến hào, dưới ánh nến le lói và hát bài hát Giáng sinh đủ để trở thành biểu tượng. Nhưng những gì diễn ra tiếp theo còn đáng kinh ngạc hơn. Dọc theo chiến tuyến, quân Đức giương lá cờ trắng ra hiệu không được bắn. Họ đi về phía lính Anh, bắt tay, trao đổi xì gà, chocolate và chúc mừng, cùng nhau hát.

Walkinton thuộc Trung đoàn London cho biết một thỏa thuận ngừng bắn không chính thức đã được đề xuất. “Một lính Đức nói, ngày mai các anh không bắn, chúng tôi cũng vậy. Đến buổi sáng hôm sau, bọn tôi núp trong hào, cẩn thận ngó sang và thấy họ không bắn thật. Tôi thấy một lính Đức vẫy tay. Vậy là khắp nơi đều ngừng bắn”, Walkinton thuật lại.

Sau sự ngập ngừng và thăm dò ban đầu, hai bên đều chắc đối phương thực sự có thành ý, vì vậy đã buông súng tiến về “Vùng đất không người”. Tại đó, những người lính từng đối đầu sống chết nay quên đi tất cả, từ thực tại tàn khốc đến tương lai vô định, cùng nhau tận hưởng không khí Giáng sinh.

Lính Đức và Anh gặp nhau tại "Vùng đất không người" ngày Giáng sinh năm 1914.

Herbert Smart, xạ thủ Pháo binh Hoàng gia kể: “Tôi đổi một ít thuốc lá lấy xì gà từ lính Đức. Anh ta từng là bồi bàn ở London nên có thể nói một chút tiếng Anh. Anh ấy nói không muốn đánh nhau”.

Cuối cùng là phần quan trọng của câu chuyện huyền thoại: bóng đá. Theo hầu hết các lời kể, một người Anh đã tạo nên quả bóng đá và một trận đấu được tổ chức ngay tại “Vùng đất không người”, nơi chết chóc nhất của cuộc chiến. Một bên đương nhiên là lính Anh, bên còn lại là lính Đức.

Frank Naden thuộc Trung đoàn Cheshire số 6, trong lần về phép đã thuật lại với tờ The Evening News: “Hai bên trao đổi đồ ăn, thuốc lá và huy hiệu. Người Đức cho chúng tôi nếm thử xúc xích của họ trong khi người Scotland chơi kèn túi. Chúng tôi vui vẻ đá bóng và người Đức cũng tham gia”.

Một trận đá bóng ngoài mặt trận ở Thế chiến I.

Trên mặt đất đóng băng, hai đội thi đấu trong tình hòa hảo đúng với tinh thần Giáng sinh. Áo khoác xếp thành cột gôn và những người ở bên ngoài cổ vũ, đánh dấu các bàn thắng bằng mũ. Kết quả, không có gì ngạc nhiên, người Đức giành chiến thắng. Như nhiều thập niên sau, huyền thoại bóng đá Anh Gary Lineker kết luận: “Bóng đá là trò chơi đơn giản. 22 người đàn ông chạy theo một quả bóng suốt 90 phút và người Đức luôn luôn giành chiến thắng”.

Có không ít người nghi ngờ về tính xác thực của trận đấu. Tuy nhiên, rất nhiều thư từ, lời kể cho thấy trận đấu ngày Giáng sinh thực sự diễn ra ở “Vùng đất không người”. Đáng chú ý, tất cả đều đồng nhất về tỷ số 3-2 nghiêng về người Đức. Về quả bóng xuất hiện ở chiến trường, chi tiết khiến câu chuyện trở nên khó tin, rất dễ giải thích. Có người nói rằng nó được làm từ bong bóng lợn, trong khi người khác cho biết đó chỉ là lon thịt bò. Thậm chí nó hoàn toàn có khả năng là quả bóng da.

Bóng đá có sức sống mãnh liệt ở châu Âu thời kỳ đó, nhất là tại Anh. Trong khi nhiều môn thể thao tạm dựng khi Thế chiến I bùng nổ, bóng đá chuyên nghiệp vẫn diễn ra ở xứ sương mù. Ngoài chiến trường, nhiều người lính từng là cầu thủ khi ở nhà. Vì vậy những lúc hiếm hoi không cầm súng, họ vẫn chơi bóng như một cách giải trí. Bóng đá cũng được các bộ chỉ huy quân sự của hai phe, Đồng minh và Hiệp ước, sử dụng như một bài tập trong quá trình huấn luyện.

Trận đấu ngày Giáng sinh năm 1914 được phục dựng.

Chưa hết, đội tuyển quốc gia Đức và Anh đã thi đấu với nhau 4 lần trong sáu năm trước Thế chiến I. Anh thắng 3 lần và trận còn lại kết thúc với tỷ số hòa. Nghĩa là một trận đấu không có gì xa lạ và hoàn toàn trở thành chủ đề trò chuyện giữa hai bên.

Sĩ quan Peter Jackson kể lại trong cuộc phỏng vấn với Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia: “Ai đó từ bên chiến hào chúng tôi đá quả bóng ra. Nó lăn về phía quân Đức. Họ đá trả lại. Tôi nói với họ, này, tại sao chúng ta không đá một trận nhỉ. Họ nghĩ ngợi, sau đó gật đầu. Hai bên chơi say mê cho đến khi bóng đi vào hàng rào thép gai và xì hơi”.

Một trận đấu được tổ chức trong bầu không khí thân thiện là chuyện hoàn toàn có thể. Chỉ có việc ngừng bắn là không phải 100%. Số liệu cho thấy vẫn có gần một trăm binh lính Anh thiệt mạng trong ngày Giáng sinh.

Bức tượng tại Stoke-on-Trent, Anh, kỷ niệm Hiệp định ngừng chiến Giáng sinh 1914, khi quân đội hai phe ngừng bắn và chơi bóng đá.

Nên nhớ mạng lưới chiến hào kéo dài hàng trăm dặm. Có những nơi phớt lờ yêu cầu đình chiến và cũng có nơi, sỹ quan sẽ nổi điên khi thấy lính tráng đột nhiên buông súng. Giới chỉ huy lo lắng sự thân thiện đột ngột sẽ làm suy yếu tinh thần chiến đấu, để cố ngăn chặn điều tương tự lặp lại.

Cũng có những người lính không thích mềm lòng trước quân địch. Terri Blom Crocker, tác giả cuốn “The Christmas Truce”, cho biết một hạ sĩ gốc Áo đã từ chối rời khỏi vị trí của mình trong chiến hào lầy lội. Ông ta cho rằng thỏa thuận ngừng bắn là một điều đáng hổ thẹn. Đoán xem đó là ai? Tên ông ta là Adolf Hitler, người sẽ tạo nên Thế chiến II không lâu sau đó.

Dù sao thì đó là chiến tranh, tàn nhẫn và khốc liệt, nơi con người giành giật sự sống bằng cách giết chết ai đó. Điều đáng nói là ngày ở những nơi như vậy vẫn có chỗ cho sự lãng mạn. Và bóng đá thực sự có thể tồn tại trong sự thù địch, giúp gắn kết mọi người và hóa giải nỗi đau. Dĩ nhiên, Giáng sinh là chất xúc tác cho những điều đẹp đẽ đó nảy sinh.