Chúng tôi luôn tỉnh táo trước dư luận

TP - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyện của Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), đạo diễn của chương trình Táo quân 2011- Đỗ Thanh Hải trao đổi chuyện hậu trường Táo quân chiều 30 Tết gây dư luận cả khen lẫn chê vừa qua.
Táo Điện lực của Vân Dung chưa thực sự nổi bật

>> MC Phan Anh: Tôi không hiền như Táo Dân
>> Táo quân năm nay tấu gì?

Táo Điện lực của Vân Dung chưa thực sự nổi bật. Ảnh: KQ

Anh có thể nói về tác giả kịch bản Táo quân?

Một nhóm chịu trách nhiệm viết kịch bản. Riêng năm nay hơn chục người tham gia, có cộng tác viên phối hợp với nhóm sản xuất trung tâm VFC của chúng tôi. Mỗi người một việc một mảng, có người chỉ đọc để phản biện.

Kịch bản Táo quân hơi cầu kỳ một chút, cũng có những bản viết đặt viết xong phải bỏ, làm lại. Từ trong năm đã phải cóp nhặt, suy nghĩ. Về format Táo Idol, chúng tôi có ý tưởng vào khoảng tháng 12, dù trước đấy có vài ý tưởng khác.

Trong quá trình chuyển tải từ ý tưởng lên sân khấu, các anh có gặp phải áp lực?

Tất nhiên áp lực là có, nhưng áp lực lớn nhất chính từ phía người xem. Họ mong chờ xem Táo quân đề cập những vấn đề gì, cách xử lý như thế nào trên sân khấu hài. Áp lực này năm nào cũng thế, vì khán giả luôn mong muốn chương trình hay, xứng đáng với sự mong đợi.

Tiêu chí nào để lựa chọn các vấn đề?

Bao giờ chúng tôi cũng có danh sách các vấn đề, hiện tưởng nổi cộm trong năm, thông qua kênh báo chí, qua các cuộc giao ban báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chỉ có điều không thể tham lam hết được, thêm nữa có nhiều vấn đề không tìm được ngôn ngữ thể hiện dưới góc độ hài hước, nên phải hạn chế. Chương trình này không thể kể tên các vấn đề, mà nó phải thể hiện qua trò diễn, lăng kính hài hước biểu đạt phù hợp.

Về các ca khúc nhạc chế, các anh có vấp phải phản ứng nào từ phía tác giả?

Có nhiều ca khúc phải xin phép tác giả, người thừa hưởng bản quyền. Mình trình bày ý đồ, thậm chí có tác giả yêu cầu phải gửi lời. Cho đến bây giờ, chưa có tác giả nào từ chối cả. Họ cũng nghĩ nó giúp cho chương trình thêm màu sắc thể hiện một cách dí dỏm.

Được biết các diễn viên có hai tuần tập luyện, thậm chí tập thâu đêm?

Chúng tôi thường chia ba giai đoạn, đầu tiên mọi người cùng ngồi làm việc, đọc thoại, trao đổi, bởi diễn viên phải hiểu vấn đề, để nói và ngắt nghỉ sao cho hiệu quả. Tiếp đến mọi người định hình ai ở vị trí nào, có sự tương hỗ giữa các Táo. Giai đoạn cuối cùng, từng Táo làm việc độc lập với ba nhân vật Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng.

Có những phần chúng tôi tập rất nhanh, có những phần phải mất vài tiếng, chỉ để nắn cho một diễn viên thả một lời thoại, bởi đôi khi chỉ cần lệch năm mười giây thôi, hiệu quả đã khác.

Với chương trình Táo quân 2011, thời gian luyện tập nhiều nhất là của Táo Kinh tế. Dù thoại không nhiều, nó đòi hỏi sự phối hợp nhiều yếu tố: kỹ thuật kéo dây cáp, kỹ thuật diễn ở bên dưới sân khấu với diễn viên treo phía trên. Phải đến buổi diễn cuối cùng chúng tôi mới khớp được phần này.

Về phần sức khỏe diễn viên, mọi năm Vân Dung hay ốm đúng đêm diễn ghi hình, năm nay may mắn hơn. Nhưng trước đó Xuân Bắc ốm, do đúng đợt lạnh quá trong khi mọi người phải tập đêm.

Từ sau khi chương trình lên sóng, anh nhận được phản hồi như thế nào?

Tôi chủ yếu nhận qua hai kênh báo chí và tổng hợp ý kiến khán giả của Ban Thư ký biên tập, nhìn chung khán giả đánh giá tốt, chương trình tạo sự hấp dẫn nhất định. Tất nhiên còn một số ý kiến cho rằng cần đề cập mạnh hơn một số vấn đề khác.

Thực ra, chương trình Táo quân là sản phẩm phản biện, điểm lại bức tranh xã hội một năm qua, dù không đầy đủ nhưng cũng có nét chấm phá nhất định. Mỗi lần làm chương trình xong chúng tôi đều ngồi lại, rút kinh nghiệm.

Một số khán giả cho rằng Táo quân năm nay không có thủ pháp sân khấu, thiếu sự biến hóa, ý tưởng nghèo nàn, một số diễn viên diễn nhàm, lạm dụng hình thể?

Tôi nghĩ ý kiến đó cũng đúng thôi, bởi vì tâm lý người xem bao giờ cũng muốn có nhiều bất ngờ, mới mẻ. Tuy nhiên phải tỉnh táo xem đổi mới như thế nào, bất ngờ như thế nào? Vì Táo quân theo format mượn chuyện xưa nói chuyện nay, mượn điển tích đưa vào đó thông tin, ngôn từ của ngày hôm nay.

Mỗi năm chúng tôi cố gắng đưa vào những yếu tố mới, nhưng vẫn tuân thủ từng yêu cầu nhất định. Ví dụ đã lên trình tấu phải từng Táo vào, không thể mấy người xuất hiện cùng lúc, nói về quá nhiều vấn đề.

Các anh có nghĩ đến chuyện thêm gương mặt diễn viên mới cho mỗi chương trình. Bởi một số diễn viên thực sự diễn xuất nhàm chán, thậm chí lạm dụng cả chuyện khóc lóc trên sân khấu?

Mỗi diễn viên có chừng ấy sắc thái, kiểu dáng, ngôn ngữ thể hiện, bắt thay đổi 100% là điều không tưởng. Tuy nhiên tùy từng hoàn cảnh, kịch bản họ sẽ thể hiện khác hơn. Hơn nữa, bất cứ chương trình nào, số người thích và không thích- mình không thể đưa về mẫu số chung. Có thể thay đổi, sáng tạo nhiều thứ nhưng cuối cùng là tính hiệu quả.

Và cũng tùy trường hợp, hoàn cảnh, chúng tôi lắng nghe, sàng lọc ý kiến, luôn tỉnh táo trước dư luận để ngày càng hoàn thiện sản phẩm của mình hơn.

Theo Báo giấy