Một ngày sau buổi đối thoại trực tiếp với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, không khí kinh doanh của các hộ tiểu thương khác hẳn.
Chị Thương chuyên kinh doanh quần áo tại tầng 2 chợ Cồn, cho biết các đầu mối đã điện đến để đặt bán hàng thay cho trước đây mình có chủ động gọi điện họ cũng lưỡng lự.
Chị giải thích thêm: Trung bình mỗi quầy hàng có đến vài đầu mối, tiểu thương chúng tôi buôn bán theo kiểu đồng vốn xoay vòng. Đầu mối cho nợ, mình lại phải cho nhiều bạn hàng nợ. Bởi thế, có an cư mới lạc nghiệp. Trước nay do thông tin bị di dời để nâng cấp chợ theo chủ trương xã hội hóa khiến các đầu mối e dè, nay được ở lại ai cũng mừng,.
Theo chị Nhung, tiểu thương buôn bán hải sản chợ Hàn, hơn một nghìn hộ dân tiểu thương ở đây ai cũng mừng. “Chợ có truyền thống từ lâu không chỉ là kế sinh nhai của tiểu thương mà còn kéo theo cuộc sống của những người trong gia đình. Ở lại với chợ là thêm cơ hội cho chúng tôi được làm ăn kinh doanh. Hơn nữa chủ trương được miễn 1 tháng tiền thuê mặt bằng là chưa bao giờ có nên chúng tôi rất phấn khởi” - Chị Nhung nói.
Tại khu B - siêu thị Bài thơ Plaza Đà Nẵng, không khí kinh doanh của hàng trăm tiểu thương cũng sôi nổi hơn. Theo chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, tiểu thương buôn bán giày dép, gần đến Tết là thời điểm khách hàng đông, dễ chạy hàng, nên thông tin được ổn định ở lại càng khiến chúng tôi kinh doanh tốt hơn. Hàng hóa nhập về nhiều mà không phải lo lắng gì cả.
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, tiểu thương khu B cũng bộc bạch: Các đầu mối biết thông tin cũng không còn o ép chúng tôi nhiều nữa mà tạo cơ hội làm ăn, chứ trước đây họ cứ đòi nợ miết vì sợ sang khu mới lâu mới ổn định.
Không di dời, thêm nhiều ưu đãi
Phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp với hơn một nghìn tiểu thương đại diện cho 5 chợ lớn nhất ở Đà Nẵng hôm 16 -1 vừa rồi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, khẳng định: Không có chuyện di dời các chợ Cồn, chợ Hàn và siêu thị Đà Nẵng nên bà con cứ yên tâm.
Thành phố đang nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 chợ này thành trung tâm mua bán lớn theo phương châm xã hội hóa. Có thể xây dựng các trung tâm buôn bán tổng hợp nhiều tầng ngay trên diện tích các chợ cũ nhưng vẫn dành riêng khu vực cho tiểu thương tiếp tục buôn bán. Cơ sở vật chất của các chợ được nâng lên, bà con có điều kiện buôn bán tốt hơn nhưng ngành chức năng không tăng giá thuê mặt bằng.
Đặc biệt, theo ông Thanh, chủ trương của thành phố bắt đầu từ năm 2010, mỗi năm thành phố sẽ miễn tiền thuê mặt bằng 1 tháng cho các tiểu thương. Tháng giêng là thời điểm sức mua giảm, thành phố sẽ miễn tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương vào tháng này.
Theo tính toán của Sở Công Thương, trên địa bàn hiện có 85 chợ với hơn 14.000 hộ kinh doanh, số tiền thuê mặt bằng được miễn giảm lên đến vài chục tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo ngay từ giờ, UBND quận Hải Châu, Sở Công thương tuyệt đối bảo đảm trật tự an ninh các khu chợ, tiếp tục đầu tư chợ đầu mối Hòa Cường, Đống Đa để người mua thuận tiện, người bán yên tâm làm ăn...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Thanh, thành phố đã có nhiều ưu đãi, các tiểu thương cần chung tay xây dựng văn hóa chợ để thật sự trở thành điển hình, kiểu mẫu chợ văn minh, lịch sử, sạch sẽ. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, tại Đà Nẵng những đội xích lô du lịch cũng đã tự học hỏi để có vốn ngoại ngữ kha khá giao tiếp với du khách quốc tế, vì thế các tiểu thương cũng cần phải biết ngoại ngữ để đối thoại với du khách.