Chính sách cho thuốc lá: Tránh bảo hộ ‘cạnh tranh bất bình đẳng’

Sau phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa có thêm những chia sẻ xung quanh chính sách quản lý đối với thuốc lá nung nóng (TLNN) và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) khác trong tương lai.

Mọi loại thuốc lá đều chứa nicotine gây nghiện

Bình luận vấn đề tính gây nghiện của các sản phẩm TLTHM, ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: “Đã gọi là thuốc lá thì đều là độc hại cả. Nếu đã cấm thì phải cấm tất”. Còn nếu muốn cấm TLTHM trong khi thuốc lá điếu truyền thống vẫn cho lưu hành thì ông Hạ khuyến nghị: Phải chứng minh rằng là loại TLTHM đó độc hại hơn thuốc lá truyền thống thì mới có giải pháp cấm. “Tôi đang so sánh giữa 2 loại sản phẩm đều cùng độc hại. Tại sao cái này cho sản xuất mà cấm cái kia? Có phải chăng đang là bảo hộ việc cạnh tranh bất bình đẳng cho thuốc lá truyền thống không?”, ông Hạ đặt vấn đề.

Còn nếu cấm vì tình trạng trộn ma túy trong TLTHM, ông Hạ cho rằng không chỉ có TLĐT, mà bánh kẹo và nhiều thứ khác nữa trong đời sống xã hội vẫn có trường hợp chứa ma túy. Theo đó, TLTHM cũng giống như bất kỳ các sản phẩm đang lưu thông hợp pháp trên thị trường hiện nay đều có nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng. Để ngăn chặn vấn đề này, các cơ quan bộ ngành đã và đang có đủ các công cụ để thực thi việc kiểm soát. Do vậy, theo ông Hạ, nếu lấy vấn đề ma túy trà trộn trong TLTHM làm lý do để cấm là đang có sự lập lờ, đánh lận giữa các khái niệm sản phẩm.

Theo ghi nhận vào tháng 9/2024, Công an TP. Hồ Chí Minh vừa phát đi cảnh báo đối với người dân hãy cẩn trọng với ma tuý mới núp bóng dưới tên gọi là "sô cô la bay". Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán ma tuý là trộn ma tuý trong bánh, kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử,… với thiết kế bao gì bắt mắt, hương vị thu hút dễ dàng tiếp cận giới trẻ.

Mặt khác, ông Hạ cũng cho rằng kể cả khi cấm cũng xác định rõ cấm cụ thể phần nào, vì có những thứ muốn cấm cũng thiếu căn cứ. “Nếu cấm thì cấm phần điếu thuốc của TLNN, hay là cấm cả bộ phận điện tử dùng để hút điếu TLNN? Thiết bị điện tử thì làm sao cấm được?”, ông Hạ phân tích.

Không chỉ vướng mắc về cơ sở pháp lý trong việc quản lý hàng hóa thương mại, mà dưới góc độ quyền con người, chính sách cấm cũng còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết thỏa đáng. Ông Hạ tiếp tục đặt câu hỏi: “Cấm sản xuất, cấm nhập khẩu, hay là cấm cả người sử dụng?”. Tại phiên chất vấn Bộ Y tế trong kỳ họp Quốc hội ngày 11/11 vừa qua, ông Hạ cũng đã đề cập đến các vấn đề xoay quanh đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết cấm TLTHM. Theo đó, ai sẽ xử lý người hút TLNN? Nếu phạt người hút thì sẽ liên quan đến vấn đề quyền con người. Mà nếu là quyền con người thì không thể dùng Nghị quyết để cấm mà phải sửa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL).

Song song với một số trở ngại xung quanh đề xuất cấm TLTHM, ĐBQH Tạ Văn Hạ ủng hộ việc cấm giới trẻ sử dụng các sản phẩm này, cũng như phản đối các mẫu mã thu hút, kích thích trẻ em. “Sản phẩm nhằm hướng tới trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, phải cấm là đúng”, ông Hạ khẳng định.

Từ quan điểm của ĐBQH Tạ Văn Hạ, có thể thấy rõ chính sách đối với TLTHM cần cân nhắc song song cả hai đối tượng là giới trẻ và những người trưởng thành đang hút thuốc. Đồng thời, việc quyết định chính sách phải trên cơ sở hệ thống pháp luật đang áp dụng hiện nay cũng như quyền con người được nêu rõ trong quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cần xác định điều kiện để lưu hành sản phẩm TLTHM nào là thuốc lá

Nhắc lại trách nhiệm của Bộ Y tế, ông Hạ cũng nêu rõ: “Bộ Y tế phải làm rõ những yêu cầu của cử tri, đại biểu Quốc hội. Phải khẩn trương có ngay được báo cáo kết quả công bố từ Bộ Y tế. Trước hết là xác định sản phẩm có chứa những thành phần như thế nào thì sẽ được gọi là thuốc lá”.

Ông Hạ lấy TLNN làm trường hợp điển hình để xác định thế nào là một sản phẩm thuốc lá, vì sản phẩm này có đặc tính tương đồng với định nghĩa thuốc lá theo Luật PCTHTL. Theo đó, hiện TLNN có chứa thành phần là thuốc lá, nên “phải cho nhập khẩu đàng hoàng”, ông Hạ khuyến nghị.

Để biết một sản phẩm TLNN có thành phần là thuốc lá hay không thì “hãng thuốc lá phải công bố sản phẩm của họ có những thành phần nào, và thành phần đấy được phân tích như thế nào về mặt khoa học”, ông Hạ cho biết thêm.

Theo ông Hạ, thậm chí, nếu chứng minh được sản phẩm có tiềm năng giảm hại thì cần được khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi. Ông Hạ cho biết, thực tế các sản phẩm TLNN chỉ làm nóng nguyên liệu thuốc lá, chứ không đốt cháy khét như thuốc lá điếu. Theo ghi nhận của ông Hạ, một số người hút thuốc lá cho biết, dù chưa biết rõ về bằng chứng khoa học nhưng việc sử dụng thực tế cho thấy, “sau khi chuyển từ thuốc lá điếu sang TLNN thì không bị kéo đờm và không ho như trước nữa, và sản phẩm không có khói nên đỡ hôi”.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố chính thức trên website nêu rõ các sản phẩm đốt cháy như là thuốc lá điếu là độc hại nhất trong các loại sản phẩm thuốc lá. Những sản phẩm không đốt cháy, như thuốc lá không khói (thuốc lá ngậm, TLNN, TLĐT…), nhìn chung là có các rủi ro lên sức khỏe thấp hơn so với thuốc lá điếu và những sản phẩm đốt cháy khác.

Công bố của FDA cho thấy, về mặt khoa học, thuốc lá điếu được xác định là sản phẩm độc hại nhất, do vậy lý do để cấm TLTHM vì độc hại hơn so với thuốc lá điếu là điều gần như không thể. Trong khi đó, từ dữ liệu thực tiễn được ghi nhận trong suốt thời qua có thể thấy, cho đến nay các công bố từ FDA Hoa Kỳ cũng như các nghiên cứu từ Bộ Y tế Nhật hoặc từ các quốc gia châu Âu (Anh, Đức, Hà Lan, v.v) hiện chưa được các cơ quan trong nước đề cập đến trong phần thẩm định, đánh giá, ngoài các thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức chống thuốc lá như Vital Strategies, Campaign for Tobacco-Free Kids (CFTK), The Union, SEATCA, HealthBridge Canada...

Do vậy, các chuyên gia chất vấn, vì sao những sở cứ đáng tin cậy nêu trên lại không được bày lên bàn để các cơ quan trong nước cùng thảo luận và đánh giá về khả năng “lợi ích lớn hơn nguy cơ” đối với các loại TLTHM. “TLNN vẫn có nicotine và vẫn có hại, nhưng mà giảm hàm lượng các thành phần này, thì chúng ta nên kiểm soát. Nếu như thực sự là có bằng chứng là nó giảm độc hại hơn thì cấm có nghĩa là tự nhiên lấy đi cơ hội của những người hiện đang nghiện thuốc lá. Điều này liên quan đến vấn đề sức khỏe của họ”, ông Hạ khuyến nghị.

Còn đối với vấn đề mặt trái của sản phẩm, ông Tạ Văn Hạ cho rằng vẫn có giải pháp để ngăn chặn, đó là: “Đối với người không nghiện thì cần phải tuyên truyền, và kiểm soát… để sản phẩm không lan ra”.

Ngoài ra, ở góc độ kinh tế, ông Hạ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nên cân nhắc xu hướng đổi mới công nghệ, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh để hướng tới việc sản xuất các sản phẩm thuốc lá bớt độc hại hơn nhằm bảo vệ người dùng.