Những kinh nghiệm, bài học đúc rút từ chiến thắng này có giá trị lịch sử và hiện thực, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Đường 9-Nam Lào (23/3/1971 - 23/3/2021), ngày 19/3 tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực”.
Tham dự hội thảo có Thượng tướng Phạm Thanh Ngân- nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương- Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Trần Quang Phương-Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị; Trung tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Lê Quang Tùng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Trị; các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Đường 9- Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực”.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội ngụy Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Trải qua hơn 50 ngày đêm (30/1/1971 - 23/3/1971) liên tục tiến công quân địch, quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đánh cho quân đội nguỵ Sài Gòn - công cụ nòng cốt của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” một đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác, loại khỏi chiến đấu hơn 21.000 quân (bắt 1.142 quân), bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh...
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam. Hội thảo đã tập trung đi sâu nghiên cứu phân tích làm rõ bối cảnh tình hình, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền nguỵ Sài Gòn nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Ban Chỉ đạo Hội thảo "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực".
Qua đó, khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch xuất sắc của các cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng. Phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị chiến trường, xây dựng lực lượng, thế trận phản công và tiến công; công tác bảo đảm vũ khí trang bị, hậu cần cho một chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược; tái hiện cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng của quân và dân ta; phân tích làm rõ sự tham gia, vai trò, đóng góp to lớn của các đơn vị bộ đội chủ lực, của lực lượng vũ trang địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn diễn ra chiến dịch; sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc huy động nhân lực, vật lực, phối hợp cùng bộ đội chủ lực thực hành thắng lợi chiến dịch; các hoạt động tác chiến của các chiến trường ở miền Nam Việt Nam phối hợp với Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Làm rõ vai trò của nhân tố chính trị tinh thần; tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai Đảng, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Nghiên cứu làm rõ thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch phản công đã làm nên Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971. Nêu bật tầm vóc, ý nghĩa; phân tích làm rõ những nguyên nhân dẫn tới Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971. Trên cơ sở đó tập trung khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo, nêu rõ: Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Nguỵ Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Trải qua hơn 50 ngày đêm (30/1/1971 - 23/3/1971) liên tục tiến công quân địch, quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đánh cho quân đội nguỵ Sài Gòn - công cụ nòng cốt của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” một đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác, loại khỏi chiến đấu hơn 21.000 quân (bắt 1.142 quân), bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh... Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo“Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực” phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực” đã nhận được hơn 80 tham luận của các vị lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các địa phương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện nhà trường, viện nghiên cứu, các nhà khoa học; nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971. Các tham luận đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của chủ đề hội thảo, trong đó tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản: Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào - biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào...
Hội thảo cũng đã lắng nghe tham luận của các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào như Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến với tham luận “Vị trí, nhiệm vụ của Trung đoàn 64 trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971”; Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Ngọc Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị với tham luận “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 đòn đánh vào ý chí của Mỹ và chính quyền, quân đội Nguỵ Sài Gòn”; ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị với tham luận “Phối hợp chiến đấu giữa quân và dân hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào”; Đại tá, Tiến sỹ Phạm Đình Bách, Phó Chủ nhiệm Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng với tham luận “Nghệ thuật lập thế trận trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971”...
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh: 50 năm qua, giá trị Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 vẫn luôn in đậm trong lòng người dân Quảng Trị, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Phát huy truyền thống anh hùng, tỉnh Quảng Trị đã biến những bất lợi, khắc nghiệt của thiên nhiên thành tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, ngành Công nghiệp năng lượng có sự phát triển vượt bậc. Dọc tuyến Đường 9 nay đã mở ra nhiều cánh đồng điện gió; tổng công suất phát điện cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 377MW, tăng gấp 3,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, đến cuối năm 2021 phấn đấu đạt trên 1.000MW.
Các lễ hội “Thống nhất non sông”, “Nhịp cầu Xuyên Á”, “Hoa đăng trên sông Thạch Hãn”… để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước. Tua du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Đường 9 năm xưa chiến công lẫy lừng nay trở thành hành lang kinh tế nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, với điểm khởi đầu phía Thái Bình Dương là cảng biển Cửa Việt, cảng biển Mỹ Thủy trên đất Quảng Trị, con đường kết nối thúc đẩy sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực, nhất là giữa các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng phát biểu tại hội thảo.
Lợi thế về quân sự của tuyến Đường 9 đã sớm được Chính phủ Việt Nam, Lào và các nước tiểu vùng sông Mê Kông phát huy phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội... Hội thảo được tổ chức là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới...