> Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung
> Khánh thành cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu
Mạnh ai nấy làm
Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung (DHMT) khai mạc chiều qua, 21/3 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó có tới hơn 200 nhà đầu tư đến từ trong nước và quốc tế.
Phải chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong câu chuyện “xé rào”, tiếp nhận cả những phản biện chính sách một cách thường xuyên”.
Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh, đồng thời là Trưởng Ban điều phối vùng DHMT chủ trì Hội nghị. Đây là dịp để lãnh đạo 9 tỉnh duyên hải ngồi lại với nhau bàn cách giải bài toán “liên kết vùng” đã được đặt ra từ mấy năm nay, song đến nay, lời giải vẫn đang là dấu hỏi.
Theo TS. Bùi Tất Thắng (nhóm tư vấn phát triển vùng DHMT), trong những năm gần đây, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trong vùng đã phát triển rất nhanh về số lượng.
Ông Thắng lấy ví dụ ở Ninh Thuận, Bình Thuận có số lượng dự án đầu tư quá thấp, vốn đầu tư nhỏ. Nguyên nhân chính là việc hình thành quá nhiều khu công nghiệp trong vùng. Tỉnh nào cũng hô hào làm, thành ra cuối cùng chẳng có tỉnh nào đột phá được, kìm chân nhau.
Hiện vùng DHMT có 51 KCN với gần 19 ngàn ha đất tự nhiên, chiếm 19% tổng KCN cả nước với 178 dự án đầu tư nước ngoài và 808 trong nước.
Tuy nhiên, chỉ 30 KCN đi vào hoạt động và có tới 4.796ha đất của 30 KCN này bỏ hoang. Điểm sáng lấp đầy KCN chỉ có Đà Nẵng và Phú Yên, các tỉnh còn lại đều thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước, đặc biệt Ninh Thuận chỉ có tỷ lệ lấp đầy KCN là 5,6%.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh: “Sân bay Chu Lai là một bài học. Vì nó nằm cạnh sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sắp tới, tỉnh đang kêu gọi đầu tư dự án biến sân bay Chu Lai thành trung tâm bảo dưỡng máy bay hạng nặng. Ở Việt Nam chưa có cái này, vốn đầu tư khoảng 28 tỷ USD”.
Chia sẻ kinh nghiệm “xé rào”
TS. Trần Du Lịch – Trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng DHMT liệt kê 4 yếu tố thuận lợi và khó khăn khiến vùng DHMT đến nay vẫn nghèo. Trong đó, thể chế chính sách là rào cản lớn nhất. “Những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính thời gian gần đây tuy mang lại kết quả nhưng vẫn còn khá xa so với yêu cầu của thị trường”.
Theo ông Lịch, các luật, từ Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Kinh doanh bất động sản (BĐS)... vẫn đang trong quá trình sửa đổi nên các địa phương còn vướng. Ví dụ như phát triển công nghiệp, BĐS, khu đô thị, hạ tầng công tư đối tác (PPP)...
TS. Trần Du Lịch cho rằng, ngoài việc hoàn thiện thể chế kinh tế chung của cả nước trung ương cần đẩy mạnh hơn nữa việc bổ sung chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng.
“Để hoàn thiện thể chế có tác động tích cực tới môi trường đầu tư, các địa phương trong vùng cần sẵn sàng đứng ra làm địa bàn thí điểm. Ngoài ra, kênh phản hồi thông tin giữa 9 địa phương trong vùng và giữa vùng với trung ương cần được khẩn trương thiết lập để giảm rủi ro cho những sáng kiến thể chế có tính sáng tạo, đột phá, “xé rào”.