Rút khỏi trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam:

Chia sẻ của gia đình nhạc sĩ An Thuyên

TP - Gia đình nhạc sĩ An Thuyên vừa ra thông báo chính thức rút khỏi Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), khẳng định không phải vì bất đồng thu chi, mà chỉ muốn quảng bá tác phẩm hiệu quả hơn.
Gia đình nhạc sĩ An Thuyên tại cuộc họp báo 12/4. Ảnh: Như Ý.

Nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên (1949-2015) để lại nhiều tác phẩm được đón nhận như Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi…

Thời điểm VCPMC manh nha thành lập, An Thuyên đang là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất ủng hộ sự ra đời của Trung tâm. Nhưng kể từ 17/1/2018, VCPMC không còn là đại diện quản lý và khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm của An Thuyên. Gia đình nhạc sĩ gồm vợ- đạo diễn Huyền Lâm, con trai- nhạc sĩ An Hiếu và con gái- ca sĩ Bông Mai sẽ đứng ra làm công việc này.

“Ngay từ đầu nhạc sĩ An Thuyên luôn ủng hộ để VCPMC ra đời. Cũng phải cảm ơn Trung tâm bao năm thu tiền giúp, vì các ông nhạc sĩ làm sao biết để thu tiền. Nhưng bây giờ có nhiều phương tiện khác tân tiến hơn, đành phải chia tay thôi. Nếu ông còn, chắc ông sẽ vẫn giữ hợp đồng với Trung tâm đấy”.

 Đạo diễn Huyền Lâm

Đạo diễn Huyền Lâm cho biết: “Lâu nay được Trung tâm chuyển tiền thì tôi hưởng. Nhưng bây giờ đến lúc cả ba người cùng hưởng. Mẹ con bàn với nhau vẫn còn nhiều tác phẩm của bố chưa công bố, số tác phẩm đăng ký với VCPMC rất ít. Mà có cảm giác các phương tiện để thu và tính toán của Trung tâm chưa được hiện đại lắm nên gia đình xin rút về để tự làm”.

Theo gia đình thì Giám đốc VCPMC lúc đó vẫn là nhạc sĩ Phó Đức Phương đã gọi điện đề nghị gia đình chỉ thu bản quyền biểu diễn còn lại để Trung tâm lo, tránh thiệt thòi cho An Thuyên. Nhưng gia đình vẫn kiên quyết, kể cả “thiệt thòi” vẫn rút về. “Trong cuộc chơi, có người ở lại, có người đi tiếp, mỗi người một lý do. Gia đình rút lui hoàn toàn không phải vì tiền. Có thể tự thu chưa chắc bằng được thế nhưng thôi cứ tự làm cho thoải mái hơn”, bà Huyền Lâm nói.

Bà Lâm cũng cho hay mỗi quý, tiền tác quyền nhạc sĩ An Thuyên nhận từ VCPMC từ 12-15 triệu. Thời điểm nhạc sĩ từ trần, tiền tác quyền tăng lên 32 triệu, sau đấy lại xuống 8 triệu. Đáng chú ý khi gia đình tuyên bố rút khỏi Trung tâm thì tiền tác quyền lại tăng lên 32 triệu.

“Việc chia tay giữa gia đình và Trung tâm tất nhiên có đổ vỡ, có tổn thương nhưng cá nhân tôi vẫn muốn đến một lúc nào đó gia đình và Trung tâm tiếp tục đồng hành trên con đường khai thác bản quyền tác phẩm âm nhạc”. 

 Nhạc sĩ An Hiếu

Nhạc sĩ An Hiếu- hiện vẫn là thành viên của VCPMC- nói không thể phủ nhận công lao tiên phong của VCPMC nhưng mặt bằng công nghệ hôm nay đã khác. An Hiếu cho rằng sẽ có nhiều nơi làm tốt hơn công việc quảng bá những tác phẩm chưa được công bố của An Thuyên.

Con gái nhạc sĩ cũng khẳng định: “VCPMC mới chỉ khai thác những bài hát đã phát hành của nhạc sĩ An Thuyên chứ chưa đầu tư cho tác phẩm mới. Trong khi thúc đẩy việc khai thác tác phẩm mới là một trong những cam kết của Trung tâm đề cập trong hợp đồng”.

Bông Mai cho rằng hợp đồng giữa VCPMC với nhạc sĩ có một số điểm chưa phù hợp, ví dụ tỷ lệ hành chính phí cần phải thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên chị cũng cho rằng do các nhạc sĩ không để ý để yêu cầu Trung tâm điều chỉnh chứ không phải là không được phép thay đổi.

Theo Bông Mai: “Hợp đồng của VCPMC với các nhạc sĩ 5 năm mới gia hạn. Trong 5 năm có quá nhiều biến đổi không thể nào cố định giá như thế mãi. Các nhạc sĩ đa phần ngại không đàm phán thậm chí chẳng mấy khi quan tâm đến số tiền mình nhận được”. Chị cũng khẳng định: “Đến thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng cách làm việc của Trung tâm. Chúng tôi có thể chỉ thấy không phù hợp”.

Trong khi chờ đợi hợp đồng chấm dứt hoàn toàn, gia đình An Thuyên liên lạc với các đơn vị để đàm phán về việc khai thác bản quyền. Ngoài ra, gia đình lập vi bằng tất cả những lần sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ để sau này tiện đối chiếu với kết quả của VCPMC.

“Gia đình cần có chứng cứ bởi chúng tôi không nắm được những thông tin này từ Trung tâm. Chúng tôi có trong tay lượt nghe, lượt tải, lượt sử dụng và biết chắc chắn số lượng đơn vị nào đang dùng tác phẩm của ba tôi. Công nghệ bây giờ làm việc này rất tốt”, Bông Mai cho hay. 

Gia đình không coi tiền tác quyền của ba là nguồn thu chính, mà coi trọng giá trị nghệ thuật ông đóng góp cho xã hội, coi trọng những người đồng sáng tạo với ba tôi như nhạc sĩ phối khí, ca sĩ… Chúng tôi cũng không biết họ đã nhận tiền hay chưa. Đó chính là một trong những  lý do mà gia đình mong muốn có sự minh bạch về tác quyền đối với các nghệ sĩ tham gia sáng tạo một tác phẩm âm nhạc.