Chia sẻ tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, với mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện như hiện nay ở mức 8-10% mỗi năm, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỷ USD. Trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD. Bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD/năm, phần nguồn khoảng 12,72 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỷ USD/năm.
Theo ông Tuấn Anh, khối lượng đầu tư cụ thể đến 2030 gồm gần 15.000 km lưới điện truyền tải 500 kV cải tạo và xây dựng mới; gần 23.000 km lưới điện truyền tải 220 kV cải tạo và xây dựng mới…Trong đó, EVN chiếm một phần ba tỷ trọng nguồn điện phát cả nước, còn lại thuộc về các tập đoàn khác như PVN, TKV hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, tập đoàn đang phải đổi mặt với rất nhiều khó khăn. Theo đó, cuộc chiến ở Ukraine, tình hình biến động địa chính trị thế giới khiến giá nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện như than, khí... tăng mạnh trong suốt thời gian qua. Đến nay giá than nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với trước, từ 70 USD/tấn lên gần 200-220 USD một tấn. Giá LNG cũng tăng gấp ba, tăng từ 6 USD lên 18-20 USD một triệu BTU.
Với các công trình điện, dự án nguồn, truyền tải điện, các chủ đầu tư cũng chịu sức ép tăng giá rất lớn khi giá sắt thép, vật liệu xây dựng liên tục tăng mạnh trong khi giá bán đầu ra của ngành điện suốt 3 năm nay chưa được điều chỉnh.
Theo ông Tài Anh, EVN cam kết với Chính phủ sẽ không tăng giá điện, dù có thể năm nay lợi nhuận tập đoàn bằng 0, khi mà các chi phí nguyên nhiêu liệu đã tăng cao.
“Chúng tôi vừa làm việc với Điện lực Singapore xong. Dù giá điện của họ hiện ở mức 26 cent/kWh nhưng họ cho hay sẽ phải tăng giá điện thêm 30%. Chúng tôi thì cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 song rõ ràng cân đối đầu vào và bán điện đang hết sức khó khăn. Tập đoàn cũng đang trông chờ sự chỉ đạo, quan tâm của Chính phủ để làm sao chúng ta giữ giá điện ở mức nền kinh tế chịu đựng được”, ông Tài Anh nói.
Lãnh đạo EVN cũng cho biết, nếu tình hình giá nhiên liệu sơ cấp vẫn leo thang như hiện nay thì việc cân đối đầu vào và bán điện sẽ cực kỳ khó khăn "Lợi nhuận năm nay bằng 0 thì có thể cân đối, nhưng nếu các năm sau mà tiếp tục như vậy, cùng giá nhiên liệu, chi phí đầu vào vẫn tăng, EVN sẽ không thể cân đối được", ông Tài Anh cho hay.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), hiện nay Việt Nam có 77.000 MW công suất đặt trong khi thời điểm cao nhất hệ thống điện đạt mức 44.000 MW. Dự dự phòng công suất thô của ngành điện vẫn trên 30% là mức khá cao. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ thiếu điện. Vào cuối mùa khô tới, hệ thống điện có thể thiếu khoảng 2.000 MW điện. Việc thiếu chủ yếu cục bộ ở khu vực phía bắc do nhu cầu điện ở đây tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước, trong khi các dự án nguồn chậm chủ yếu ở phía bắc.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Đại học Điện lực cũng nói, để thu hút đầu tư vào ngành điện cần cơ chế điều chỉnh giá điện. Nhà đầu tư Nhà nước hay tư nhân cũng đều phải có lợi ích khi bỏ vốn. Với Nhà nước là lợi ích tổng thể khi dùng đồng vốn ngân sách, còn với tư nhân là lợi nhuận.
Với ngành điện, hiện đã có thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng giá bán điện cho hộ tiêu dùng cuối cùng vẫn do Nhà nước quy định. Tức, EVN là đơn vị bán lẻ lớn nhất, họ mua điện theo giá biến động thị trường, nhưng bán ra lại theo giá Nhà nước quy định.
Với cơ chế giá bán điện đã 3 năm không được điều chỉnh, trong khi giá, chi phí đầu vào liên tục biến động, ông Hồi cho rằng, sẽ khó đảm bảo an ninh cung ứng điện, khó thu hút đầu tư vào ngành điện trong khi nhu cầu vốn đầu tư mỗi năm khoảng 14 tỷ USD từ nay đến 2030.