> Vụ giữ 6.000 lon sữa Danlait: Kiện đòi 1,2 tỷ đồng
> Vụ sữa Danlait: ‘Cục An toàn thực phẩm sẵn sàng giải đáp’
Theo Công ty TNHH Mạnh Cầm trong đơn khởi kiện ra tòa án, trước mắt doanh nghiệp yêu cầu vị Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phải công khai xin lỗi vì đã cung cấp thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng trầm trọng uy tín của thương hiệu.
Đồng thời yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính ngày 14/5/2013 do ông Dũng ký sai quy định. Theo ông Mạnh việc Cty của ông yêu cầu đền bù thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng chỉ là con số nhỏ, bởi trên thực tế sau 5 tháng kể từ khi QLTT kiểm tra và tịch thu sữa, Cty gần như ngừng hoạt động.
Những thiệt hại tính đến nay ước hơn 7 tỷ đồng chi phí cho phát triển thị trường với 250 đại lý phân phối sản phẩm trên cả nước. Ngoài ra, gây thiệt hại rất lớn về cơ hội phát triển thị trường. Quan trọng hơn, cơ hội tồn tại của sản phẩm sữa dê Danlait tại thị trường Việt Nam gần như không còn.
Để tìm hiểu rõ vụ việc phóng viên đã tìm nhiều cách liên lạc với lãnh đạo Sở Công thương (đơn vị chủ quản-PV) và lãnh đạo QLTT Hà Nội tuy nhiên tất cả đều im lặng và từ chối tiếp phóng viên. “Vụ việc chưa đâu vào đâu nên chúng tôi chưa thể nói gì”, một cán bộ Sở Công thương nói. Ngày 18/7, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết: “Vụ việc đang quá trình tiếp nhận đơn kiện để xem xét xử lý theo đúng quy định nên chưa thể đưa ra ý kiến gì”.
Đánh giá về vụ khởi kiện, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật đoàn luật sư Hà Nội phân tích: “Đáng lẽ QLTT chỉ nên phát biểu, công bố thông tin sau khi có kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm. Như vậy mới thực sự công tâm và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Trường hợp nếu thông tin không chính xác khi chưa có kết luận kiểm tra, QLTT phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những thiệt hại về vật chất và uy tín của doanh nghiệp. Và nếu đúng như đơn khởi kiện của doanh nghiệp thì QLTT trong vụ này rất tắc trách”.