Liệu con số này đã đủ khi các dự án bất động sản rải khắp nơi và đang được ví là "nấm mồ" chôn tiền đẹp như tranh vẽ.
Nơi chôn tiền lớn nhất là bất động sản
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ sự lo lắng và đưa ra nhận định nơi “chôn tiền lớn nhất là bất động sản” nhưng chưa được Chính phủ nhìn nhận, phân tích kỹ, cùng với phương án để giải quyết nợ xấu ở lĩnh vực này. “Bao nhiêu sắt thép xi măng chôn đấy, chưa kể đã tồn kho còn nhập về cất tiếp”, Chủ tịch nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, các báo cáo thống kê đều không có con số tồn kho bất động sản.Tại đây, cả con số thực và giải pháp cho vấn đề tồn kho, trong đó có tồn kho bất động sản đã được đặt ra với không ít quan ngại.
Liệu điều này có thể lý giải bằng hàng loạt dự án BĐS nằm "phơi nắng, phơi sương", đồng thời các nhà đầu tư liên tục chọn giải pháp giảm giá song nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, thời ông còn làm Thống đốc thì dư nợ bất động sản cao nhất là 11%, “hiện nay khoảng 5% là chính xác”.
Trước đó, bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn Dragon Capital - đầu tư tổng hợp tập trung chuyên biệt cho thị trường vốn Việt Nam, đã đưa ra con số thống kê cả nước đang có khoảng 70.000 căn hộ tồn đọng, trong tình trạng sẵn sàng bán. Hai địa phương dẫn đầu là Hà Nội và TP. HCM mỗi thành phố chiếm 35.000 căn.
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, giá trị mỗi căn hộ khi hoàn thiện được chào bán trung bình không duới 2 tỉ đồng thì số tiền tồn lại ở 70.000 căn hộ đã là 140.000 tỉ đồng – tương đương 7 tỉ USD.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trên thực tế thì số tiền chôn trong nấm mồ bất động sản thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với con số ước tính.
"Kích cầu" khơi nguồn tiền trong dân?
Một vị đại diện Knight Frank Việt Nam cho rằng, hiện người mua nhà vẫn đang quan sát và chờ đợi. Các khách mua chính hiện nay là người có nhu cầu ở thực và thường tập trung vào mảng trung bình thấp và trung bình, với mức giá dưới 2 tỷ đồng/căn, diện tích nhỏ từ 50m2. Vậy giải pháp nào để "kích cầu" vẫn đang là điều mà các nhà đầu tư mong đợi ở những quyết sách mà Chính phủ đưa ra.
Khảo sát gần đây của một công ty chuyên cung cấp thông tin về đo lường các chỉ số truyền thông và thị trường, cũng như những phân tích và chuyên môn về nhiều ngành hàng cho khách hàng trên toàn thế giới - Nielsen, hiện người tiêu dùng chỉ đầu tư khoảng 1% nên dòng tiền đổ vào bất động sản hạn chế. Tâm lý quan sát và chờ đợi đang phổ biến, hầu hết người có nhu cầu mua nhà vẫn đang chờ kỳ vọng giá giảm thêm.
Thế nhưng, số người có nhu cầu nhà ở thực về nhà ở liệu có khỏa lấp được số các dự án đang rải ra khắp nơi cùng với phối cảnh bắt mắt và những lời hứa hẹn mùi mẫn. Để trên thực tế các nhà đầu tư sử dụng nhiều chiêu, bắt đầu là việc hạ giá sàn, tiếp đến là cắt nội thất bàn giao để giảm giá hay như kết nối với ngân hàng để người mua được vay ưu đãi và thế chấp chính căn hộ mình định mua... Tất cả các cách này vẫn chưa đủ "hâm nóng" thị trường.
Có lẽ điều lớn hơn cả là người tiêu dùng cần một chỗ dựa về niềm tin.
Theo Đất Việt