> Trắng tay sau hỏa hoạn
> Thiêu rụi 500 quầy, thiệt hại 500 tỷ đồng
Đã cắt điện các gian hàng
Đại tá Phạm Văn Loan, Phó giám đốc phụ trách Công an tỉnh Hải Dương, cho biết đã thành lập chuyên án điều tra nguyên nhân gây cháy. Bước đầu, công an xác định vụ cháy xuất phát từ ki ốt bán vải tại tầng 1 của bà Nguyễn Thị Huệ, sau đó lan rộng.
Theo ông Loan, công an xác định 2 hướng điều tra, hướng thứ nhất là do tiểu thương hoặc cán bộ BQL trung tâm thương mại bất cẩn gây cháy, hướng thứ hai là do các đối tượng bên ngoài trả thù.
Phần lớn tiểu thương và những người dân khu vực xung quanh trung tâm thương mại cho rằng, khó có khả năng cháy do chập điện, bởi các quầy hàng đều bị cắt điện từ chập tối đến sáng hôm sau.
Ông Vũ Khắc Quyết, Giám đốc BQL trung tâm thương mại Hải Dương, cho biết do trung tâm không bán hàng đêm nên hằng ngày từ 18 giờ 30 các quầy kinh doanh sẽ bị cắt điện, 7 giờ sáng hôm sau mới được đóng trở lại.
Tối 14/9, trước khi xảy ra vụ cháy, các nhân viên của trung tâm đã thực hiện cắt điện theo đúng quy định. “Nếu không cắt điện thì cả trung tâm sẽ sáng rực”-ông Quyết nói.
Chiều 17/9, UBND TP Hải Dương tiếp nhận 700 triệu đồng BIDV ủng hộ bà con tiểu thương bị thiệt hại. Tới đây, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương sẽ trao số tiền ủng hộ 200 triệu đồng cho bà con. UBND TP Hải Dương kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ bà con tiểu thương về số tài khoản 3761.0.1111.642, Kho bạc Nhà nước tỉnh Hải Dương.
Ông Quyết cho biết, tổ bảo vệ trung tâm thương mại đêm 14/9 có 6 người. Lúc 3 giờ 38 sáng 15/9, ông mới nhận được điện thoại của bảo vệ báo cáo họ phát hiện vụ cháy trước đó chưa đầy 20 phút.
Công an xác nhận bảo vệ trung tâm thương mại đã báo cháy lúc 3 giờ 25. Trong khi đó, phần lớn tiểu thương và người dân cho rằng vụ cháy xảy ra rất sớm, từ khoảng 1 giờ sáng. Sau vụ cháy, 6 bảo vệ này đã bị công an mời lên làm việc.
Theo ông Quyết, tại tòa nhà trung tâm thương mại có hệ thống cảnh báo và PCCC song do lâu ngày không được sử dụng đã hư hỏng. Tháng 7/2013, trung tâm đã đầu tư sửa chữa hệ thống PCCC nhưng mới chỉ lắp bổ sung 20 vòi nước và trang bị thêm 28 bình bột, chứ không khắc phục được hệ thống báo cháy cũ.
Cũng theo ông Quyết, trước đây trung tâm đã đề nghị được mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ của 2 đơn vị bảo hiểm, nhưng sau khi khảo sát thực tế tại tòa nhà, các đơn vị này đã từ chối bán bảo hiểm.
Bố trí đúng vị trí quầy hàng
Sau 2 ngày xảy ra vụ cháy, phía ngoài hàng rào phong tỏa của lực lượng công an, khá đông tiểu thương vẫn tập trung thành những nhóm nhỏ tại các quán nước. Có hộ tiểu thương đã bắt đầu liên hệ với bạn hàng nối lại việc kinh doanh. Khoảng đất trống ở quảng trường tạm thời được sử dụng làm điểm giao - nhận hàng. Phần lớn tiểu thương chờ đợi được vào trong quầy hàng của mình xem tiền trong két sắt còn hay đã cháy. Họ mong muốn sớm có chợ tạm để tiếp tục kinh doanh song vẫn lo lắng không được bố trí vị trí đẹp.
Ông Nguyên Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết đã nghe phản ánh của tiểu thương về lo ngại mất vị trí đẹp tại nơi mới. Theo ông Hiển, tỉnh chỉ đạo trước đây các quầy hàng ở vị trí nào, khi sang chợ tạm sẽ bố trí đúng vị trí đó, không để xáo trộn.
Chiều 17/9, UBND TP Hải Dương đã họp triển khai xây dựng chợ tạm nhằm sớm đưa tiểu thương vào kinh doanh. Theo đó, tỉnh thống nhất quy hoạch chợ tạm tại khu vực quảng trường Thống Nhất, đối diện trung tâm thương mại.
“Theo kế hoạch, sau 3 tháng phải xây dựng xong chợ tạm nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xong sớm hơn”-ông Vũ Tiến Phụng, Phó chủ tịch UBND TP Hải Dương, nói.