Chàng họa sĩ tật nguyền vẽ tranh trong bệnh viện

TP - Anh Nguyễn Tấn Hiền (30 tuổi, quê ở xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Chính nơi đây những bức tranh đã ra đời từ đôi bàn tay tật nguyền.
Chị Lý cẩn thận đưa vào khung gương bức tranh do anh Hiền vẽ

Vụ tai nạn cách đây gần chục năm đã mãi mãi lấy đi của anh chức năng di chuyển bình thường. Đôi bàn tay còn đủ 10 ngón nhưng duy chỉ ngón cái là cử động được.

Không ít lần tuyệt vọng về một đời tàn phế, nhưng rồi anh lại đứng lên. Và trong bệnh viện, những bức tranh đã ra đời từ đôi bàn tay tật nguyền và tận cùng của khát vọng vượt qua những nghiệt ngã cuộc đời.

Thành họa sĩ trong bệnh viện

Trên ô cửa sổ nhỏ trong căn phòng điều trị của bệnh viện, giữa những hộp thuốc uống dở, anh đặt ngay ngắn những bức vẽ mới hoàn thành còn chưa ráo màu sơn. Trong đó, có bóng những hàng cây cao su, cà phê dài tít tắp, có màu đất bazan đỏ rịn, phủ chút lá vàng...

Anh vẽ bằng những ký ức rời rạc, thăm thẳm và chắp nối. Để ra đời những bức tranh hiền hòa, đọng nỗi nhớ hướng về vùng đất quê nhà đã lâu chưa gặp lại. Thời gian với anh là những chuỗi ngày trong bệnh viện, không gian là bốn bức tường của phòng điều trị, chỉ có trái tim, tâm thức là đồng vọng với nhịp chảy hối hả của cuộc đời.

Dáng người Nguyễn Tấn Hiền cao nhưng gầy đét như dẹp mình xuống chiếc xe lăn. Thỉnh thoảng cứ phải đảo mình, ngọ nguậy qua lại để chữa sống lưng do chứng bệnh hoành hành.

Anh cười bằng ánh mắt cương nghị, điềm tĩnh và nói bằng cả niềm lạc quan mới lạ: “Với mình bây giờ chỉ có hiện tại, tương lai, ký ức về những ngày nghiệt ngã đã rời xa. Mình đang sống với một khả năng mới, vui tươi và vươn lên...”.

Thấp thoáng trong bức tranh có con đường thẳng tắp giữa hai hàng cà phê ngút xanh, anh dành một lỗ hổng nhỏ bên vệ đường, chính xác là một hố ga không nắp đậy. Chẳng phải một chi tiết nghệ thuật thường thấy trong các bức sơn dầu, đơn thuần với anh là một ký ức mà Hiền muốn gửi gắm và chỉ muốn vùi sâu nó trong những bức tranh. Anh lý giải: “Chính cái hố ga đã làm biến đổi đời mình”.

Một buổi tối của gần chục năm trước, Nguyễn Tấn Hiền lúc đó 20 tuổi, đang là sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng Sư phạm Đăk Lăk, háo hức đạp những vòng xe trên con đường quen thuộc từ lớp học thêm Trung cấp vi tính về phòng trọ. Bỗng hai chiếc xe tải cùng chiều tránh vượt nhau, chèn đường, đèn pha chói loá, ép Hiền vào sát bên lề đường. Chỉ trong chốc lát, chiếc xe nằm lọt giữa hố ga không nắp đậy, còn anh văng ra vài mét, bất tỉnh.

“Nếu hố ga đó có nắp thì chắc cũng không sao. Mọi việc diễn ra nhanh quá nên mình không kịp phản ứng để tránh nó. Xe đạp bị mắc kẹt miệng hố, hất mình lao ra phía trước” - Hiền nhớ lại.

Dù được kịp thời mang đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng chấn thương quá nặng, các bác sĩ kết luận: Gãy cột sống cổ và chấn thương xương sống.

Từ đó, Hiền sống đời thực vật. Những tháng ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi chuyển về Bệnh viện tỉnh Đăk Lăk, anh sống trong vô vọng. Từng ấp ủ ước mơ được theo nghề giáo, gieo mầm tri thức cho những vùng đất Tây Nguyên còn khắc khổ, chàng lính Tấn Hiền vừa xuất ngũ đã quyết tâm “dùi mài kinh sử” và thi đậu trường Cao đẳng Sư phạm. Đang sống với cảm giác của một sinh viên theo đuổi khát vọng của mình, vụ tai nạn đã làm mọi ước mơ tắt ngấm.

"Có những lúc mình thấy mọi cái đều chán nản và bất mãn vì mình như một người thừa, một kẻ vô dụng không thể làm được gì nữa. Phải đến khi ra Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng này mình bắt gặp những cơ duyên mới và tìm theo nghề vẽ tranh” - Hiền kể lại.

Nhưng con đường đến với nghệ thuật cũng lắm gian nan. Nhờ bao nhiêu thầy gia sư, họ đều từ chối vì lý do không thể trực tiếp đến bệnh viện dạy vẽ. Tưởng phải từ bỏ ý định mới anh gặp thầy Hải, dạy ký họa, Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Đà Nẵng và được thầy tận tình chỉ bảo.

Nguyễn Tấn Hiền mày mò tự mua sách học vẽ, cập nhật kiến thức cơ bản của loại hình nghệ thuật này. Ban đầu anh học chép tranh, rồi luyện vẽ kỹ hoạ và chuyển sang vẽ tranh màu. Mới hơn một năm mà ngọn bút của anh đã trưởng thành trông thấy.

“Nhớ lại những ngày đầu mình không nghĩ là có thể vẽ tranh được. Cứ cầm bút vẽ là rơi vì bàn tay đã bị liệt mất chín ngón. Mình tìm học cách dùng ngón trỏ đang cử động bình thường, tì bút vào các ngón còn lại, rồi nguệch ngoạc đường nét cho  quen dần...

Cái khó nữa là phối màu. Ban đầu vẽ ký hoạ chỉ cần bút chì nhưng giờ vẽ tranh màu phải pha chế màu nữa nên có nhiều khó khăn. Không ít lần làm đổ màu, lấm lem hết cả quần áo... Hồi nhỏ mình chỉ vẽ vời lung tung, chứ không định hướng theo nghề này mà chỉ đam mê đi dạy học, nhưng giờ với mình vẽ tranh là phù hợp hơn cả” - Hiền cười nói.

Nguyễn Tấn Hiền đang ấp ủ dự định mới theo vẽ tranh trừu tượng trên con đường kế tiếp.

Và mối tình đẹp như tranh

Cây bút vẽ và những gam màu đã cho Hiền một niềm tin sống có ý nghĩa, còn tình yêu chớm nở lại là động lực giúp anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cơn đau bệnh. Lật bức ảnh nhỏ in hình người yêu, anh nhẹ nhàng mân mê bằng cả ánh mắt thương yêu và khâm phục. Chị Nguyễn Thị Lý, người con gái Huế đẹp như mối tình trong trẻo của hai người.

Tận tình chăm sóc anh bằng cả tình yêu cao đẹp.

Trong một lần thực tập của lớp sinh viên Kỹ thuật viên vật lý trị liệu, Trường CĐ Kỹ thuật Y tế (Đà Nẵng) cách đây 3 năm về trước, chị đã thầm khâm phục nghị lực và yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên.

“Mình đâu dám đón nhận tình yêu của Lý, chỉ nghĩ đến cái thân tàn này cũng đã đủ là gánh nặng cho gia đình huống chi là với một người dự định sẽ gắn bó suốt đời với mình...” - Giọng Hiền trầm lắng, ánh mắt như mờ đỏ, trĩu nặng suy tư.

Không giấu được cảm xúc yêu Lý đến tha thiết, nhưng giữa tình yêu và lý trí anh vẫn nhận ra những khó khăn. Hai năm đầu, biết Lý có tình cảm, anh thường tìm cách lẩn trốn. Mỗi lần nhìn Lý bước ra khỏi phòng điều trị vì bị “đuổi”, Tấn Hiền lại giấu những dòng nước mắt. Anh không thể trải lòng bình thường như những người khác, nhưng trái tim thì vẫn rung những nhịp đập mãnh liệt.

Hiền tìm cách “đuổi”, còn Lý lại tìm cách đến với anh, nhẹ nhàng như một cơn gió lạ mang theo cả hương thơm và sức sống mới. Vượt gần chục cây số bằng xe đạp đến bệnh viện, chị tận tình chăm sóc anh, lo toan mọi công việc dù anh không chấp nhận và cũng chẳng nề hà những lời qua tiếng lại, ngăn cản của mọi người.

Bỗng một hôm, không chỉ riêng Lý đến mà còn có cả mẹ chị. Hiền sững người khi biết Lý dẫn mẹ đến để giới thiệu anh là người yêu của mình, dù lúc đó anh chưa nói lên một lời yêu Lý. Còn Lý thì tâm sự trong dứt khoát: “Em mang mẹ đến để mẹ biết trước về người yêu của em, để mẹ hiểu và đồng ý”.

Nhưng từ đó, gia đình Lý luôn tìm cách ngăn cấm. Anh  càng muốn nén sâu tình cảm để Lý không chịu những áp lực. Riêng Lý vẫn dứt khoát đi trên con đường tình yêu để cho Hiền thấy quyết định của mình.

“Lý đã cho tôi niềm tin và sức sống, chỉ cần nghĩ đến Lý là tôi quên đi hết nhưng u buồn, đau khổ trong cuộc sống. Chỉ cần biết có một người dám chấp nhận yêu tôi đã là đáng khâm phục và kỳ diệu lắm rồi. Mình sẽ cố gắng vẽ, tập luyện để sau này Lý bớt khổ” - Hiền tâm sự.

Với Lý, lời bộc bạch còn được nói cả bằng ánh mắt: “Mình yêu anh ấy vì sự kiên nghị và ý chí vươn lên. Biết phía trước có nhiều khó khăn nhưng mình không nản lòng và sẽ tiếp tục thuyết phục gia đình”.

Chị bọc cẩn thận vào trong gương bức họa anh Hiền vừa mới vẽ về cảnh đôi tình nhân ngồi nhìn ra biển trước ráng hoàng hôn, như thầm gửi gắm mong ước và hy vọng vào tương lai.

Đến diễn đàn cho người khuyết tật

Trong chuyến tình nguyện tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, bà Virgnia Lockett - một chuyên viên tình nguyện người Mỹ đã cảm phục nghị lực của chàng hoạ sĩ tật nguyền và giới thiệu tranh của anh tại Galary Keachingout (Nguyễn Thái Học, TP Hội An) và Galary Bạch Mai (Trưng Vương, TP Đà Nẵng).

Giờ đây, nhiều người đã biết đến tranh của Tấn Hiền. Anh lại miệt mài bên những bức vẽ bằng cả niềm tin, sự hy vọng và những dự định mới. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, anh đang hoàn thiện trang web artisonwheels.com để giới thiệu tranh đồng thời là diễn đàn chia sẻ, tâm tư của những người khuyết tật.

“Còn nhiều người khó khăn như mình và hơn mình nữa nên mình mong muốn qua trang web có thể kết nối với mọi người nhất là những người khuyết tật để động viên, chia sẻ và giúp nhau vượt qua những thử thách, khó khăn của cuộc đời” - Anh cho biết.

Hiện tại, Nguyễn Tấn Hiền còn là một “chuyên viên tâm lý” của bệnh viện. Trở về sau đợt tập huấn tại Nha Trang do bệnh viện cử đi, anh lấy trải nghiệm sống thực của đời mình để động viên các bệnh nhân tại đây “Các bệnh nhân nặng mới vào thường hoang mang, bi quan nên ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vì thế, mình đi tâm sự và chia sẻ với họ để họ vượt qua những lo ngại về tâm lý, để mọi người không tuyệt vọng”.

Nhiều bệnh nhân nhờ sự tư vấn tâm lý của anh đã vững vàng hơn nhiều. Như anh Tương (Hòa Vang, Đà Nẵng), anh Thân... vẫn nhắc đến anh như một tấm gương sống về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.