Chấn động cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo bị ám sát

TP - Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị bắn trưa 8/7, đài truyền hình NHK đưa tin. Trước đó, trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông Abe Shinzo rơi vào tình trạng hôn mê sâu.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời ở tuổi 67. Ðồ họa: TTXVN

Hành động không thể dung tha

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo, 67 tuổi, bị một người đàn ông bắn vào ngực trái và cổ khi đang phát biểu trên phố tại thành phố Nara. Báo chí Nhật Bản đưa tin ông Abe dường như rơi vào tình trạng ngưng tim khi được đưa đến bệnh viện. Vụ tấn công gây ra một cơn chấn động ở đất nước nổi tiếng an toàn nhất thế giới, với luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất.

Phát biểu trong trạng thái xúc động, Thủ tướng Kishida gọi vụ tấn công là “hành động ghê tởm”. Ông cho biết dù động cơ vụ tấn công chưa được làm rõ, nhưng “các cuộc bầu cử đang diễn ra. Đây là nền tảng cơ bản của một nền dân chủ và một hành động như vậy đã xảy ra. Đó là hành động man rợ, độc ác và không thể dung tha”. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể, và tôi muốn dùng mọi từ ngữ mạnh mẽ nhất để lên án hành động này”, ông Kishida nói.

Đoạn phim được đưa lên mạng xã hội cho thấy ông Abe ngã sụp xuống và áo đẫm máu. Giới chức cho biết ông bị bắn vào ngực và cổ. Một chiếc trực thăng đậu trên nóc khu nhà công vụ của thủ tướng và ông Kishida xuất hiện trong vòng bảo vệ dày đặc của lực lượng an ninh. Ông vừa trở về Tokyo từ Yamagata, nơi ông đang vận động cử tri. Tất cả chiến dịch tranh cử đều phải tạm dừng sau khi vụ việc xảy ra. Khi được hỏi về tác động của vụ tấn công này lên chính trị Nhật Bản, Thủ tướng Kishida nói rằng giờ chưa phải lúc để nghĩ về điều đó. Ông cho biết chính phủ vẫn chưa quyết định sẽ xử lý chiến dịch vận động bầu cử còn lại như thế nào.

Nghi phạm bị bắt tại hiện trường. Ảnh: NHK

Choáng váng, sốc

Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi thư chia buồn tới mẹ và vợ của ông Abe, gọi ông là “một chính khách xuất chúng”. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ sự “choáng váng” về vụ ám sát ông Abe, gọi đây là “hành động khủng bố”. Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Bắc Kinh “sốc” vì vụ tấn công ông Abe bằng súng.

Trên Twitter, Tổng thống Colombia Ivan Duque viết: “Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến ông ấy như một nhà lãnh đạo rất gần gũi với Colombia”; Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông “choáng váng và vô cùng đau buồn” trước cái chết của ông Abe, Đức sẽ “sát cánh với Nhật Bản”; Thủ tướng Anh Boris Johnson viết: “Sự lãnh đạo toàn cầu của ông Abe trong suốt những thời kỳ không mệt mỏi sẽ được nhiều người ghi nhớ”. Thủ tướng Israel Yair Lapid ca ngợi ông Abe là “một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Nhật Bản hiện đại, và là một người bạn thực sự của Israel”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ tổ chức một ngày quốc tang vào ngày 9/7. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen gọi ông Abe là “một người tuyệt vời” và cho rằng, vụ ám sát ông “đã gây chấn động toàn thế giới”…

Thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất

Ông Abe Shinzo (sinh năm 1954) là thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản, chia thành hai giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020. Dù đã từ chức, ông vẫn là chính trị gia có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân Chủ tự do (LDP) khi đứng đầu một trong những nhóm lớn nhất trong đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia buồn với Nhật Bản

Ðược tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Ðảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Trong điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, nhân dân Nhật Bản và gia quyến cựu Thủ tướng Abe Shinzo, bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà ông Abe dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa.

Ông Abe được biết đến với chính sách kinh tế “Abenomics” mang tính dấu ấn, với trụ cột là nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng chi tiêu tài khoá. Ông cũng chủ trương tăng chi tiêu quốc phòng sau nhiều năm suy giảm, đồng thời mở rộng năng lực của quân đội ra nước ngoài. Trong bước chuyển mang tính lịch sử vào năm 2014, chính phủ của ông Abe giải thích lại hiến pháp hậu chiến tranh, nhằm cho phép lực lượng vũ trang tham chiến ở nước ngoài, lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2. Trong năm sau đó, Nhật Bản bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể, để cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản bảo vệ quốc gia bạn bè khi bị tấn công. Tuy nhiên, ông Abe không đạt được mục tiêu thay đổi hiến pháp do Mỹ soạn thảo để đưa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trở thành quân đội bình thường.

Ông Abe bị viêm loét đại tràng từ tuổi thiếu niên. Ông cho biết căn bệnh này đã được kiểm soát bằng điều trị. Vào thời điểm thông báo từ chức năm 2020, ông nói rằng ông cảm thấy “đau thắt ruột” khi phải bỏ dở những mục tiêu đề ra. Ông nhắc đến vấn đề một số người Nhật Bản bị bắt cóc, tranh chấp lãnh thổ với Nga và việc thay đổi hiến pháp Nhật Bản. Chính sách dân tộc chủ nghĩa mà ông Abe theo đuổi khiến Triều Tiên và Trung Quốc lo ngại.

Ông Abe lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 2006, trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến 2. Sau một năm xảy ra nhiều bê bối chính trị, ông Abe từ chức vì vấn đề sức khoẻ. Ông trở thành thủ tướng một lần nữa vào năm 2012. Ông xuất thân từ một gia đình chính trị truyền thống, có cha là ngoại trưởng và ông nội là thủ tướng.

Ám sát chính trị tưởng đã là chuyện xa xưa ở Nhật Bản

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phát biểu trước đám đông ngay trước khi bị ám sát. Ảnh: Asahi

Bạo lực hiếm khi xảy ra trong nền chính trị nổi tiếng điềm tĩnh ở Nhật Bản, nên ngay cả việc các nhóm cực hữu thường xuyên đi trên phố để tuyên truyền chính trị cũng chỉ bị coi là mối phiền toái, chứ không phải mối đe doạ đối với an toàn cộng đồng. Các sự kiện chính trị ở đây cũng không có nhiều cảnh sát bảo vệ. Trong các mùa tranh cử, cử tri có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc trực tiếp lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước.

Ám sát thường xuyên xảy ra trong giai đoạn chính trị hỗn loạn của Nhật Bản trong những năm trước khi nổ ra Thế chiến 2. Nhưng từ đó về sau, rất ít chính trị gia bị ám sát. Vụ ám sát nhân vật cấp quốc gia gần đây nhất xảy ra vào năm 1960, khi đối tượng cực đoan 17 tuổi đâm chết ông Inejiro Asanuma, lãnh đạo của đảng Xã hội. Cũng trong năm đó, một đối tượng cực đoan khác tấn công ông nội của ông Abe, tức Thủ tướng Nobusuke Kishi khi đó. Thủ phạm đâm nhiều lần vào chân ông Kishi rồi đưa ông đến bệnh viện.

Nhật Bản ghi nhận 10 vụ nổ súng gây tử vong, thương tích hoặc huỷ hoại tài sản trong năm 2021, theo số liệu của cảnh sát quốc gia.

Trong những thập kỷ gần đây, một số ít vụ bạo lực chính trị thường liên quan đến tội phạm có tổ chức hoặc các nhóm cánh hữu. Năm 2007, Kazunaga Ito, Thị trưởng Nagasaki, bị một băng đảng bắn chết. Các nhà báo đôi khi cũng trở thành mục tiêu. Năm 1987, một phóng viên của báo Asahi Shimbun bị sát hại, liên quan đến một nhóm cực hữu chống Triều Tiên.

Người biểu tình đôi khi bày tỏ sự bất bình bằng cách tự kết liễu mạng sống của mình, để thu hút sự quan tâm của dư luận. Vụ gây chú ý nhất là tiểu thuyết gia Yukio Mishima, người đã tự sát năm 1970, sau khi dẫn dắt một nhóm tay súng cánh hữu thực hiện đảo chính bất thành.

Ông Gerald Curtis, giáo sư danh dự ngành khoa học chính trị tại ĐH Columbia (Mỹ), cho rằng vụ ám sát ông Abe sẽ gây chấn động trong chính trị Nhật Bản. “Chắc chắn vụ việc này sẽ gây chấn động mạnh ở Nhật Bản, củng cố quan điểm cho rằng Nhật Bản không còn là một quốc gia an toàn và hoà bình, cần phải thay đổi để đối phó với thực tế mới”, ông Curtis nói.