Chẩn ‘bệnh’ của hàng loạt siêu dự án

Bất kể là dự án vốn trong nước hay nước ngoài, bất kể đầu tư vào lĩnh vực gì, một loạt siêu dự án đã và đang “kẹt cứng” với bài toán giải phóng mặt bằng.
Một số dự án của các nhà đầu tư trong nước hiện cũng đang kẹt với bài toán mặt bằng.

Mới đây nhất, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo các vấn đề liên quan đến tình hình triển khai, thực hiện dự án khu du lịch giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel, nêu hướng xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Trước đó, vào ngày 28-6, Chủ tịch Tập đoàn Winvest LLC (Hoa Kỳ) cùng ban lãnh đạo Công ty Winvest Investment Việt Nam, chủ đầu tư dự án này, đã báo cáo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải một số tình hình khó khăn, vướng mắc kéo dài trong việc thực hiện các thủ tục để triển khai dự án nêu trên, trong đó quan trọng nhất là việc dự án chưa có “đất sạch” để triển khai.

Dự án khu du lịch giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis Hotel tại khu Chí Linh - Cửa Lấp, thành phố Vũng Tàu có 100% vốn đầu tư nước ngoài, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 11-2007 với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD trên diện tích 300 ha. Tháng 1-2009, dự án được sửa đổi tăng vốn lên 4,1 tỷ USD trên diện tích 307 ha phần đất liền và 610 ha lấn biển. Tuy nhiên, sau 5 năm nhận giấy phép, chủ đầu tư vẫn đang dẫm chân tại chỗ do chưa được nhận đủ đất.

Tại Hải Dương, dự án nhà máy dệt Pacific Việt Nam và dự án Tinh Lợi 2 (dự án may Tinh Lợi mở rộng) được cấp phép từ tháng 4-2011 nhưng cho đến nay vẫn đang vướng giải phóng mặt bằng. Với vốn đầu tư trên 423 triệu USD, dự án dệt Pacific Việt Nam là dự án đầu tư chuyên về dệt vải và sản xuất các nguyên phụ liệu đi kèm có quy mô lớn nhất Việt Nam, với công suất 360 triệu mét vải/năm, thu hút 6.000 lao động.

Trong khi đó, dự án may Tinh Lợi mở rộng có vốn đầu tư 115 triệu USD, chuyên về sản xuất và kinh doanh hàng may mặc với quy mô 74 triệu sản phẩm/năm, thu hút 8.000 lao động. Đây là dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH May Tinh Lợi tại khu công nghiệp Nam Sách, nơi đang thu hút trên 6.000 lao động với mức lương bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Được xem là hai dự án quan trọng của Hải Dương, song trong quá trình triển khai xây dựng hai dự án trên gặp một số khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ. Đến nay, dự án chưa triển khai đầu tư xây dựng, gây thiệt hại về kinh tế đối với tỉnh, địa phương và nhà đầu tư.

Dự án dệt Pacific Việt Nam và dự án may Tinh Lợi mở rộng là hai dự án liên hoàn giữa dệt và may, có ý nghĩa đột phá trong phát triển kinh tế khu vực đông nam của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, quy mô lớn khiến cho diện tích chiếm đất lớn và theo thống kê, có tới gần 800 hộ mất đất, trong đó có 300 hộ dân bị thu hồi phần lớn hoặc hết đất canh tác. Đó là lý do khiến cho công tác giải phóng mặt bằng tại đây không thể tiền hành như kế hoạch ban đầu của nhà đầu tư.

Cũng được xếp vào hàng dự án "trăm triệu đô", một số dự án của các nhà đầu tư trong nước hiện cũng đang kẹt với bài toán mặt bằng.

Tại Thái Nguyên, dự án khai khoáng Núi Pháo sau khi được nhà đầu tư trong nước mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài hiện cũng đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân cũng "xưa như trái đất" là bất đồng giữa chủ đầu tư và người dân về mức đền bù.

Hiện tại, trên mạng cũng đang xuất hiện những thông tin và video clip được cho là quay cảnh người dân Thái Nguyên đang phản đối lực lượng giải phóng mặt bằng cho dự án này.

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại