Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật – mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay, chi phí tuân thủ pháp luật đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid19 thì các loại chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật như chi phí thủ tục hành chính (TTHC), chi phí cơ hội, chi phí không chính thức… khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi phục hồi sản xuất kinh doanh. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Trưởng Văn phòng LS NHQuang và Cộng sự, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam.

Xin chào Luật sư Nguyễn Hưng Quang!

PV: Thưa Ông, từ thực tiễn nghiên cứu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hiện nay?

Ở góc độ thực tiễn, chi phí tuân thủ pháp luật ở trong nhiều lĩnh vực có chiều hướng giảm do cải cách TTHC và điều kiện kinh doanh được thực hiện trong nhiều năm qua. Ví dụ như chỉ trong năm 2021, có đến 1.101 quy định kinh doanh đã cắt giảm, đơn giản hóa; 924 quy định đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc áp dụng các ưu thế của CMCN 4.0 nên nhiều TTHC được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 nên thuận tiện nhiều cho người dân, doanh nghiệp. Với những khó khăn do đại dịch Covid-19 trong các năm 2020 và 2021, nhu cầu của các doanh nghiệp đối với việc thực hiện TTHC trực tuyến rất cao. Các cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống Toà án cũng có nhiều thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC bằng phương thức điện tử… Cải cách TTHC ở các địa phương cũng có nhiều chuyển biến. Nhiều địa phương đã áp dụng mô hình TTHC một cửa và trực tuyến trong thời gian gần đây nên cũng đã giảm được nhiều chi phí tuân thủ TTHC nói riêng và chi phí tuân thủ pháp luật nói chung.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy chi phí không chính thức có xu hướng giảm, bao gồm cả chi phí không chính thức ở các cơ quan hành chính nhà nước và Toà án. So với 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006 thì đến năm 2019 số doanh nghiệp phản ánh thực trạng này chỉ còn 53,6%.

Mặc dù có những cải cách mạnh mẽ như vậy, chi phí tuân thủ pháp luật vẫn còn có nhiều vấn đề cần phải cải thiện hơn nữa để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Tình trạng các cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp nhưng lại xử lý chậm, quá hạn làm cho doanh nghiệp mất hoặc giảm cơ hội kinh doanh hoặc tình trạng hệ thống tiếp nhận đơn, tài liệu trực tuyến của nhiều cơ quan thường xuyên bị nghẽn nên doanh nghiệp không thể thực hiện được thủ tục trực tuyến… Một số quy định về điều kiện kinh doanh cũng chưa thực sự rõ ràng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuân thủ và phát sinh thêm chi phí. Ngoài ra, nhiều văn bản, chỉ thị của Trung ương và địa phương được ban hành đột ngột, khó hiểu, khó áp dụng hoặc đặt thêm điều kiện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua gây áp lực về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, như quy định về phong toả, giãn cách xã hội, một cung đường hai điểm đến, ba tại chỗ…

PV: Vậy, điều gì khiến cho các doanh nghiệp phải chịu những áp lực về chi phí tuân thủ pháp luật như vậy, thậm chí ngay trong bối cảnh doanh nghiệp đã rất khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 này, theo Ông?

Vấn đề có thể nhận thấy đầu tiên là chất lượng xây dựng các quy định pháp luật của nhiều cơ quan, bộ, ngành ở trung ương và địa phương chưa được tốt dẫn đến các quy định pháp luật khó hiểu, khó áp dụng hoặc chưa tính đến khả năng thực thi và chi phí thực thi của doanh nghiệp, của doanh nghiệp. Đặc biệt, chất lượng của một só văn bản dưới luật, các văn bản được ban hành gấp gáp trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 đã làm phát sinh nhiều chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp trong giai đoạn này. Gần đây, Chính phủ đang tiến hành công tác rà soát các quy định pháp luật gây cản trở cho sự phát triển kinh tế để loại bỏ hoặc sửa đổi nhưng hiệu quả của công tác này chưa được nhiều và có thể phát sinh hiệu quả sau này do độ trễ của công tác xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Vấn đề thứ hai là việc cải cách TTHC ở một số ngành, lĩnh vực ở Trung ương cũng như địa phương chưa thực sự triệt để nên vẫn tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật cao. Báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thường niên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã cho thấy nhiều lĩnh vực và địa phương vẫn chưa thực hiện cải cách TTHC thực chất, hiệu quả nên vẫn tạo nên chỉ phí tuân thủ cao.

Vấn đề thứ ba là chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin để áp dụng cho việc thực hiện và xử lý TTHC bằng phương thức điện tử, đặc biệt là các TTHC thực hiện ở cấp độ 4 (trực tuyến hoàn toàn). Việc nghẽn mạng khi nộp hồ sơ, tài liệu đã dẫn đến doanh nghiệp phải lựa chọn phương thức thực hiện trực tiếp với chi phí tuân thủ cao hơn.

PV: Thực tế cho thấy, nhiều biện pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp đã được thực hiện, tuy nhiên, các chi phí này vẫn còn cao và trong nhiều trường hợp trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Vậy, theo Ông, đâu là khó khăn, thách thức trong công cuộc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp hiện nay?

Thứ nhất, khó khăn trong việc nâng cao chất lượng xây dựng các quy định pháp luật để bảo đảm không còn các quy định mâu thuẫn, quy định khó hiểu, quy định gây cản trở cho hoạt động kinh doanh hoặc quy định đặt ra thêm các điều kiện làm phát sinh chi phí tuân thủ.

Thứ hai, khó khăn và thách thức trong việc nâng cao chất lượng xử lý hồ sơ thực hiện TTHC. Thông tin ở Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy tình trạng hồ sơ bị quá hạn còn rất cao, thường trên 60% hàng tháng.

Thứ ba, chất lượng về hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện và xử lý thủ tục hành chính chưa tốt, đồng bộ nên gây ra các tình trạng nghẽn mạng.

Thứ tư, tình trạng nhũng nhiễu vẫn còn ở mức cao dù đã có nhiều cải thiện. Như đã nêu ở trên, xấp xỉ 50% doanh nghiệp vẫn gặp tình trạng nhũng nhiễu quá khảo sát PCI.

PV: Vậy, Ông có đề xuất, kiến nghị gì trong việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển sau ảnh hưởng của dịch Covid19,thưa Ông?

Từ những phân tích về thách thức và khó khăn nêu trên, tôi nghĩ Nhà nước cần tập trung nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng và cần đầu tư và thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ cho việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!