Đêm 13/6, rạng sáng 14/6, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp khẩn về việc trên địa bàn Phường Hà Huy Tập xuất hiện ca nghi nhiễm COVID-19.
TS Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An báo cáo Trường hợp nghi nhiễm COVID-19 là N.T.M, sinh năm 1999, làm nghề uốn sấy tóc; địa chỉ thường trú ở xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh; tạm trú tại ngõ 207, đường Hà Huy Tập (Khối 4, Phường Hà Huy Tập), thành phố Vinh. N.T.M có lịch trình di chuyển và tiếp xúc cực kỳ phức tạp. Hiện nay, N.T.M chưa khai báo một cách trung thực.
Tại cuộc họp, GS. TS Dương Đình Chỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Do trường hợp này có quan hệ cá nhân hết sức phức tạp, còn giấu diếm thông tin, nên trong đêm và rạng sáng nay lực lượng công an, y tế và các lực lượng chức năng cần đấu tranh với ca nhiễm; thực hiện điều tra, truy vết thần tốc ngay các trường hợp tiếp xúc gần.
Kết luận cuộc họp, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An chỉ đạo, Tạm thời thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 một phần phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh.
Khu vực phong tỏa cách ly xã hội là tam giác từ Ngã tư Ga Vinh đến Cầu Kênh Bắc (đường Nguyễn Sỹ Sách), từ Cầu Kênh Bắc đến Ngã ba Quán Bàu (đường Hà Huy Tập), từ ngã ba Quán Bàu (đường Mai Hắc Đế); giãn cách xã hội phần còn lại của phường Hà Huy Tập theo Chỉ thị 15...Thực hiện ngay việc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho người dân trong khu vực cách ly, giãn cách; khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cho những người ở điểm mà ca bệnh đã đến.
Ngành y tế thực hiện chuyển ca bệnh N.T.M từ Trạm Y tế phường Hà Huy Tập về Bệnh viện HNĐK Nghệ An để điều trị; độc lập và phối hợp cùng cơ quan công an thực hiện truy vết, khai thác lịch trình của ca bệnh N.T.M nghi mắc COVID-19 và các trường hợp F1.
Nếu N.T.M được xác định mắc COVID-19 mà không khai báo trung thực thì củng cố hồ sơ, xem xét truy tố. Ngành y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn phường Hà Huy Tập và những người liên quan; phun hóa chất tiêu độc khử trùng tất cả các địa điểm ca bệnh N.T.M đã đến; khai thác lịch sử các F1 ở địa bàn khác ngoài Tp.Vinh. (Cảnh Huệ)
22 tỉnh, thành phố qua 14 ngày 'sạch' COVID-19
Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế sáng 14/6 cho biết có thêm 92 ca mắc COVID-19 tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó TPHCM chiếm nhiều nhất với 30 trường hợp. Đến nay, Việt Nam đã có 10.630 bệnh nhân, thế giới là gần 176,7 triệu ca COVID-19.
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 13/6 đến 6h ngày 14/6 có 92 ca mắc mới (BN10539-10630):
- 01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh.
- 91 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (30), Bắc Giang (23), Tiền Giang (14), Hà Tĩnh (10), Bắc Ninh (9), Bình Dương (4), Bắc Kạn (1); trong đó 73 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 14/6:
- Việt Nam có tổng cộng 8.993 ca ghi nhận trong nước và 1.637 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 7.423 ca.
- Có 22 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đà Nẵng) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
- Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.101.444 mẫu cho 4.652.125 lượt người.
Tình hình điều trị:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 434
+ Lần 2: 73
+ Lần 3: 74
- Số ca tử vong: 59 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 3.998 ca.
Số ca mắc COVID-19 trên thế giới đến sáng 14/6
Cả thế giới có 176.694.048 ca mắc, trong đó 160.724.969 ca khỏi bệnh; 3.818.742 ca tử vong và 12.150.337 ca đang điều trị (85.099 ca diễn biến nặng).
Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 287.068 ca, tử vong tăng 8.423 ca.- Châu Âu tăng 34.062 ca; Bắc Mỹ tăng 13.547 ca; Nam Mỹ tăng 89.736 ca; châu Á tăng 134.386 ca; châu Phi tăng 15.195 ca; châu Đại Dương tăng 142 ca.
Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 25.765 ca, trong đó: Indonesia tăng 9.868 ca, Philippines tăng 7.302 ca, Malaysia tăng 5.304 ca, Thái Lan tăng 2.804 ca, Campuchia tăng 468 ca, Singapore tăng 13 ca, Lào tăng 6 ca. (Lê Vũ)
Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer
Tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành phê duyệt có điều kiện đối với vắc xin Comirnaty cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược (Nghị định 54/2017/NĐ-CP), cụ thể:
Tên vắc xin: Comirnaty.
Thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: Mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vắc xin mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid).
Dạng bào chế: Hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
Quy cách đóng gói: 1 khay chứa 195 lọ; mỗi lọ chứa 6 liều.
Tên cơ sở sản xuất - Nước sản xuất: - Pfizer Manufacturing Belgium NV - Bỉ; - BioNTech Manufacturing GmbH - Đức.
Tên cơ sở đề nghị phê duyệt vắc xin: Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam).
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vắc xin Comirnaty theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc xin nhập khẩu.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.
Hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị có đủ điều kiện quy định tại Điểm a Khoản này tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin Comirnaty trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.
Đối với Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vắc xin Comirnaty được quy định tại Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/03/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 và Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/03/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022.
Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin Comirnaty trước khi đưa ra sử dụng.
Trong quyết định của Bộ Y tế nêu rõ: Các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vắc xin Comirnaty cho nhu cầu cấp bách trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Vắc xin Comirnaty được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 28/5/2021 và cam kết của Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) về việc các tài liệu đã cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam cũng đồng thời là tài liệu Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) đã nộp và đánh giá, phê duyệt bởi EMA.
Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) có trách nhiệm phản hồi kịp thời các yêu cầu từ Bộ Y tế Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vắc xin Comirnaty và chủ động cung cấp, cập nhật các thông tin mới có liên quan đến vắc xin Comirnaty cho Bộ Y tế Việt Nam trong suốt quá trình phát triển sản phẩm;
Đồng thời, chịu trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vắc xin đảm bảo các điều kiện sản xuất tại cơ sở sản xuất vắc xin Comirnaty nhập khẩu vào Việt Nam và đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng của lô vắc xin Comirnaty nhập khẩu vào Việt Nam;
Phối hợp với đơn vị phân phối, sử dụng vắc xin Comirnaty triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vắc xin này tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
Phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin Comirnaty trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng;
Phối hợp với Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế trong việc kiểm định các lô vắc xin Comirnaty trước khi đưa ra sử dụng;
Phối hợp với Cục Y tế dự phòng hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin Comirnaty cho các cơ sơ tiêm chủng;
Phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam để triển khai quản trị rủi ro đối với vắc xin Comirnaty trong suốt quá trình lưu hành tại Việt Nam.
"Việc sử dụng vắc xin Comirnaty phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam"-quyết định của Bộ Y tế nêu rõ. (Quảng An)
Nghệ An tạm dừng hoạt động phòng khám tư nhân tại 5 địa phương
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi các sở, ban ngành, huyện, thị của tỉnh về việc triển khai một số biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh tại Công văn số 2014/BCĐ-SYT ngày 01/6/2021 về việc bổ sung các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Công văn số 2068/BCĐ-SYT ngày 04/6/2021 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đối với công dân đến/trở về từ thành phố Hà Tĩnh và các khu vực thuộc tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu: Tổ chức Cách ly tập trung ít nhất 21 ngày kể từ ngày rời khỏi khu vực giãn cách, phong tỏa. Tổ chức xét nghiệm ít nhất 03 lần theo quy định.
Tạm dừng hoạt động các phòng khám tư nhân trực thuộc quản lý Sở Y tế tỉnh Nghệ An trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh từ 06h00 ngày 14/6/2021 đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, Ban Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh triển khai rà soát, thiết lập, củng cố các phòng cách ly tại khoa khám bệnh, khoa cấp cứu và tất cả các khoa, phòng trong đơn vị (thiết lập khu cách ly điều trị riêng trong trường hợp đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh và phòng chống dịch).
Tăng cường công tác sàng lọc và kiểm tra y tế hoạt động 24/7 ở tất cả các cổng vào của đơn vị. Đối với bệnh nhân đến từ các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cần phân luồng đi riêng, thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại khu vực khám sàng lọc trước khi chuyển vào khoa khám bệnh (riêng bệnh nhân cấp cứu thực hiện xét nghiệm tại khu vực cách ly của khoa cấp cứu).
Bố trí khu vực cách ly, điều trị riêng tại các khoa, phòng bệnh viện phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân đến từ các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đối với trường hợp bệnh nhân chuyển tuyến từ các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị có giấy chuyển tuyến và cơ sở y tế chuyển đi phải có thông báo trước với cơ sở y tế tỉnh Nghệ An cần chuyển đến. (Cảnh Huệ)