Dieter Romann, quan chức cấp cao của cảnh sát Đức, chia sẻ với DW: “22.000 nhân viên của chúng tôi đã túc trực thường xuyên ở biên giới trong dịp EURO 2024. Đây mới là số người thực hiện các công việc chỉ liên quan đến giải đấu.
Rất nhiều các trường hợp đã bị ngăn chặn. 85 kẻ bị bắt tại các trạm kiểm soát biên giới vì tội khủng bố quốc tế. Bên cạnh đó, 86 hooligan có trong danh sách đen của UEFA cũng bị chặn đứng. 603 người khác bị bắt vì các tội danh từ nhẹ đến nặng như không trả tiền bảo trì hay giết người”.
Nếu không tính lực lượng hooligan, cảnh sát đã chặn đứng 688 kẻ phạm tội tiến vào Đức trong dịp EURO 2024. Đây là những kẻ trốn truy nã hoặc trốn thi hành án trong một thời gian nhưng vì đam mê bóng đá nên vẫn lân la đến gần biên giới để tìm cách nhập cảnh trái phép vào Đức.
Có thể nói, thông qua EURO 2024, cảnh sát Đức đã phần nào giúp các quốc gia lân cận bằng việc bắt giữ và trao trả những tên tội phạm này.
Thời gian tới, dù số lượng NHM đã giảm sút khá nhiều vì 1/3 số đội bị loại, nhưng cảnh sát nước chủ nhà vẫn duy trì sự tập trung cao độ. Bởi lẽ, đang xuất hiện nguy cơ khủng bố nhắm vào nước Đức.
Bộ trưởng Nội vụ, bà Nancy Faeser tuyên bố: “Trọng tâm của chúng tôi bao gồm các mối đe dọa khủng bố, chủ nghĩa côn đồ và các cuộc tấn công an ninh mạng”.
Vì vậy mà dù EURO 2024 kết thúc vào ngày 14/7 nhưng các cuộc kiểm tra gắt gao ở biên giới có hiệu lực đến tận ngày 19/7.
Trong thời gian này, người dân đi từ các quốc gia như Hà Lan, Bỉ, Luxembourg hay từ khối Schengen vẫn tiếp tục bị kiểm tra gắt gao hơn thường lệ.
Thậm chí, các cuộc kiểm soát tại biên giới Đức với Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ sẽ được kéo dài đến tận tháng 11/2024.