Cảnh giác với trạng thái liệt nửa vời
Liệt nửa vời hay giả liệt nặng (còn được gọi là nhược cơ) là tình trạng các cơ vận động trong cơ thể rất dễ bị mỏi. Mặc dù được nghỉ ngơi và thời gian nghỉ cũng được kéo dài hơn nhưng các cơ vẫn rất nhanh bị mỏi, hạn chế nhiều đến vận động và đôi khi gây nguy hiểm. Thủ phạm gây bệnh chỉ khu trú trong phạm vi từng cơ của cơ thể nhưng vẫn có thể gặp những trường hợp giả liệt nhiều cơ.
Thời điểm nào dễ xuất hiện liệt nửa vời?
Liệt nửa vời thường diễn ra trong một ngày. Sáng sớm, sau khi thức dậy, người bệnh tự cảm thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng sau đó cơ bắt đầu bị nhược sau các gắng sức đầu tiên, rồi lại phục hồi sau một lát nghỉ ngắn, tiếp sau chỉ với gắng sức ngày càng nhỏ, nhưng cơ nhược lại tăng hơn và ngay lúc ấy khả năng hồi phục lại kém hơn, dù thời gian nghỉ được kéo dài hơn trước.
Đây là tình trạng các cơ không bị liệt nhưng cực kỳ dễ mỏi. Người ta dễ dàng làm nổi rõ đặc điểm này bằng cách: để người bệnh ở trạng thái nghỉ tuyệt đối một thời gian ngắn, sau đó yêu cầu họ thực hiện các động tác luân phiên nhau như mở mắt rồi nhắm mắt hay duỗi rồi co các ngón tay.
Tùy theo mức độ bệnh sau một vài động tác, dần dần vận động trở nên càng khó khăn và lát sau bệnh nhân không còn khả năng vận động. Tuy nhiên, chỉ cần để người bệnh ở trạng thái nghỉ trong một hai phút, các rối loạn vận động cơ sẽ biến mất, rồi động tác gắng sức mới ngay lúc ấy lại làm tái xuất hiện tình trạng nhược cơ trước đó. Sự giả - liệt này còn xuất hiện ở các khu vực cơ khác sau mọi gắng sức.
Những cơ nào hay bị nhược nhất?
Cơ bên ngoài mắt: Hệ cơ bên ngoài của mắt thường bị xâm phạm nhiều nhất (trong 40% trường hợp, nó là dấu hiệu đầu tiên). Sa mi hầu như là dấu hiệu hằng định trong khoảng 80% trường hợp. Các cơ vận động nhãn cầu cũng bị nhược ở các mức độ khác nhau, khiến người ta dễ nhầm với chứng liệt mắt. Nhưng nếu được thăm khám cẩn thận vẫn xác định được đặc điểm nhược cơ hay biến đổi trong một ngày và từ ngày này với ngày khác. Định khu rối loạn nhược cơ không thể giải thích được bằng định khu phân bố thần kinh. Các cơ bên trong của mắt thường không bị xâm phạm.
Các cơ ở mặt, cơ nhai, cơ nuốt, cơ phát âm cũng rất hay bị nhược. Các cơ dưới da của mặt bị nhược, tạo nên vẻ mặt ngây dại, bất động và buồn rầu rất đặc trưng, nhất là khi có kết hợp với sa mi hai bên. Nhược các cơ nhai dễ được phát hiện sau bữa ăn, thường không gây khổ sở bằng nhược các cơ hầu và màn hầu - khẩu cái, làm cho động tác nuốt rất khó khăn và đôi khi không thể nuốt được. Nếu bảo bệnh nhân đếm sẽ phát hiện được nhược các cơ thanh quản. Các cơ ở cổ và gáy cũng không phải hiếm bị nhược.
Cơ ở chi trên: Mức độ nhược của các cơ ở chi trên không quan trọng bằng các nhóm cơ kể trên, định khu nhược cơ lại khu trú khá đặc biệt ở các cơ của gốc chi (cơ nhị đầu và cơ duỗi chung các ngón tay). Rối loạn nhược cơ lan rộng hiếm hơn ở các cơ thần và chi dưới. Cần lưu ý, nếu các cơ hô hấp phụ bị xâm phạm thì cơ hoành vẫn co cơ một cách bình thường.
Khu trú chủ yếu của các rối loạn nhược cơ tương ứng với các khu vực cơ được phân bố thần kinh bởi các dây thần kinh xuất phát từ thân não và tủy cổ. Tùy theo khu vực tổn thương, bệnh nhược cơ sẽ biến dạng sang thể lan tỏa, hành tủy hay cả viễn đoạn, chỉ trong trường hợp rất hiếm các cơ của ngọn các chi mới bị xâm phạm.
Phương tiện giúp chẩn đoán
Kích thích điện vào cơ phát hiện thấy sự mệt mỏi rất nhanh của cơ bị kích thích kéo dài, ngay cả khi nó không làm được một gắng sức nào. Để cho nghỉ, chức năng sẽ được hồi phục lại rất rõ.
Ghi điện cơ để dò tìm ít có giá trị
Điều trị thử bằng thuốc: tiêm prostigmine hay tensilon có tác dụng cải thiện tạm thời hiện tượng nhược cơ này, có thể được một phần hay toàn bộ là tùy theo mức độ rối loạn của bệnh.
Liệt cơ nuốt là biến chứng đáng sợ nhất
Bệnh nhược cơ tiến triển theo từng đợt. Trong thời kỳ thuyên giảm, các triệu chứng có thể giảm một phần hay toàn bộ. Bệnh trở nên nặng lên trong các tháng đầu thai nghén và sau khi sinh.
Biến chứng đáng sợ nhất là liệt các cơ nuốt. Nó bất thần xuất hiện trong quá trình của các “cơn nhược cơ” mà điều trị không ít khó khăn. Trên thực tế, các thuốc kháng cholinesteraza giờ đây tương đối vô hiệu và nếu nâng liều lên nữa thì lại nguy hiểm. Nó có thể dẫn tới tình trạng chẹn thần kinh - cơ bởi sự phân cực không hồi phục. Cần phải theo dõi chặt chẽ khi phát hiện có dấu hiệu đe dọa tai biến hô hấp thì phải cấp cứu, chuyển ngay bệnh nhân tới trung tâm chuyên khoa gần nhất để điều trị dưới sự trợ giúp của hô hấp có điều khiển. Nếu nhược cơ kết hợp với u tuyến ức thì biến chứng trầm trọng hơn và có nguy cơ đe dọa nhược cơ lan rộng tới các chi.
Điều trị bệnh nhược cơ
Về chữa trị bệnh lý này phải dựa trên cơ sở những rối loạn của bệnh. Rối loạn cơ bản của bệnh nhược cơ là tính vô hiệu của sự dẫn truyền thần kinh-cơ. Điều trị có thể sử dụng thuốc kháng cholinesteraza và phương pháp điều trị bằng huyết tương đã sinh chế (tức thay huyết tương của bệnh nhân) và tiêm immune globuline chỉ có tác dụng tạm thời trong trường hợp nhược cơ nặng. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức không có ảnh hưởng một cách chắc chắn tới tiến triển của bệnh. Các tiến bộ về phẫu thuật lồng ngực đã giúp cho việc mở rộng chỉ định cắt bỏ tuyến ức và u tuyến ức trong bệnh nhược cơ của người trẻ trong trường hợp nhược cơ đã lan rộng ra ngoài các cơ mắt. Kết quả càng khả quan nếu can thiệp phẫu thuật qcàng sớm.
Theo PGS. Vũ Quang Bích
Sức khỏe & Đời sống