Cảnh giác với biến chủng virus ở Ấn Ðộ

TP - Ngày 9/5 Bộ Y tế cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã giải trình tự gien các mẫu do các địa phương gửi về; tất cả đều là biến thể B1.167.2 ở Ấn Ðộ. Chủng này lây lan nhanh.
Xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Trần Hà

Các mẫu do các địa phương gửi về gồm Hưng Yên - 2 mẫu, Hà Nội - 1 mẫu, Thái Bình - 5 mẫu. Chiều tối 9/5, kết quả giải trình tự gien 8 mẫu trên cho thấy đều là biến thể B1.167.2 của Ấn Độ. Như vậy, từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 5 chủng SARS-CoV-2 lưu hành, gồm chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu, chủng ở Vũ Hán và biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617.2.

Bộ Y tế đánh giá, diễn biến dịch COVID-19 đợt này hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.

Về chủng SARS-CoV-2 biến thể Ấn Độ, biến thể Anh đang lưu hành trên bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, chủng virus mới này khác biệt với biến chủng trước, đặc biệt nguy hiểm vì nó lây lan nhanh.

“Qua theo dõi các chùm ca bệnh có thể thấy tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Trong báo cáo của Bộ Y tế, có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, nồng độ virus trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để xét nghiệm dương tính. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy tỷ lệ biến chứng liên quan đến phổi khá cao. Vì thế, chúng ta phải hết sức cảnh giác vì tỷ lệ tử vong, qua báo cáo của nước ngoài, với chủng này cao nhiều lần với các chủng trước đó”, GS Tuấn nói.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, qua theo dõi 7 bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nam, có 4 ca biến chứng xuống phổi ngay tuần đầu tiên. “Rõ ràng chủng mới lây lan nhanh, biểu hiện ở nồng độ virus trong dịch họng hầu, biến chứng phổi sớm. Sự lây nhiễm nhanh, dễ lây làm can thiệp phòng chống trở nên khó khăn hơn rất nhiều, rất cần ý thức người dân thực hiện nguyên tắc 5K phòng bệnh”, ông Tuấn nói. Đến nay, đã có 11 bệnh viện đã phải phong tỏa, cách ly y tế.

Ông Tuấn đánh giá, việc một số bệnh viện Trung ương phải phong tỏa, cách ly y tế là do có sự lây nhiễm trong bệnh viện, lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện; nguy cơ này là hiện hữu với bất cứ bệnh viện nào, gồm Bệnh viện Bạch Mai.