>Bơm vốn “trẻ hóa” cà phê
>Cà phê, hạt điều được gia hạn nợ tín dụng xuất khẩu
Bên cạnh việc xem nhẹ hợp đồng giao dịch dân sự của người dân, điều đáng nói, sự xét xử thiếu công tâm của cơ quan tư pháp trong thời gian qua cũng là yếu tố tiếp tay cho hành vi sai trái này.
Không những bị chiếm dụng hơn 18.000 tấn cà phê suốt 3 năm qua, đến nay bà Võ Thị Kim Ngọc, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk lại có nguy cơ bị thiệt hại thêm gần 200 tỉ đồng nữa. Đây là kết cục của vụ lật lọng giữa hợp đồng ký gửi cà phê thành hợp đồng mua bán và có dấu hiệu tiếp tay của cơ quan tư pháp.
“Số lượng cà phê của tôi là hơn 18.000 tấn, công ty chiếm dụng, tương đương hơn 800 tỉ đồng. Tòa không buộc công ty bồi thường lại cho tôi, mà ngược lại bắt tôi phải bồi thường thiệt hại”, bà Ngọc chua xót.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, bà Ngọc mua cà phê và gửi vào kho của Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, mỗi lần gửi, bà phải xuất hóa đơn VAT theo giá tạm tính để vay tiền của công ty. Sau 2 năm, bà Ngọc đã ký gửi hơn 18.000 tấn vào công ty này, đổi lại công ty cũng cho bà Ngọc vay hơn 500 tỉ đồng với lãi suất theo thỏa thuận, tương tự như hình thức cầm cố tài sản. Theo cam kết giữa hai bên, nếu cà phê được giá, bà Ngọc sẽ lấy lại cà phê để bán, đồng thời trả tiền vay và lãi cho công ty. Tuy nhiên, khi bà Ngọc đến công ty làm thủ tục lấy lại số cà phê đã gửi, thì công ty này lật lọng và cho rằng, bà Ngọc đã bán chứ không phải ký gửi, vì cho rằng bà đã xuất hóa đơn VAT.
“Cuối năm 2010, giữa tôi và công ty còn làm việc với nhau, công ty còn xác nhận cho tôi tới ngày đó là tôi còn cà phê. Vậy thì tôi bán chỗ nào”, bà Ngọc bức xúc.
Tháng 8/2013, Tòa án sơ thẩm TP. Buôn Ma Thuột kết luận, bà Ngọc chi xuất hóa đơn theo giá tạm tính chứ không phải là hóa đơn bán hàng, buộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên phải trả cho bà Ngọc hơn 18.000 tấn cà phê mà công ty này đã chiếm dụng bất hợp pháp suốt 3 năm qua. Với kết luận này, phần lỗi thuộc về Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, tuy nhiên, tiền lãi gần 200 tỉ đồng phát sinh từ tiền vay của bà Ngọc trong 3 năm, bà Ngọc lại phải chịu.
Trả lời báo chí trước quyết định kỳ lạ này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Buôn Ma Thuột vẫn quanh co cho rằng: “Đây là vụ án trao đổi về vật, vật thì trả lại vật. Bà Ngọc gửi cà phê thì công ty phải trả lại và bà Ngọc ứng tiền thì bà Ngọc phải trả tiền và chịu lãi suất theo quy định”.
Theo như Tòa án Nhân dân TP.Buôn Ma Thuột, bà Ngọc phải trả cả tiền ứng và lãi. Vậy thì cà phê của bà Ngọc bị chiếm dụng từ năm 2010 đến nay ai chịu?
Luật sư Hà Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự - TP.HCM cho biết: “Căn cứ theo Điều 308 Bộ luật dân sự thì rõ ràng lỗi này có thể là lỗi hỗn hợp hoặc là lỗi của công ty cà phê Tây Nguyên, thế thì bà Ngọc không thể nào gánh chịu phần trách nhiệm là trả lãi từ ngày 8/11 cho tới thời điểm hiện nay”.
Thủ đoạn lợi dụng nhận gửi giữ tài sản để chiếm dụng đang xảy ra khá phổ biến tại Đăk Lăk. Nhiều doanh nghiệp được thành lập để nhận gửi giữ nông sản của dân, tuy nhiên khi giá tăng cao, những doanh nghiệp này đã tự bán để hưởng chênh lệch, sau đó lật lọng giữa hợp đồng gửi giữ và hợp đồng mua bán nhằm trục lợi, thậm chí nhiều doanh nhiệp đã bỏ trốn.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột: “Rất nhiều nông hộ không có nhà kho để mà chứa, dẫn tới tình trạng đi ký gửi hàng của mình ở các đại lý. Tuy nhiên kinh doanh cà phê này rất nhiều rủi ro, nhiều đại lý nếu kinh doanh không tốt, thua lỗ thì lúc đó rõ ràng là họ cũng phải chạy làng đối với người nông dân”.
Nguyên nhân của các vụ lừa đảo thông qua hoạt động ký gửi không chỉ là việc xem nhẹ các hợp đồng giao dịch của người dân, mà còn là sự giám sát lỏng lẻo của lực lượng chức năng. Việc xét xử thiếu công tâm không chỉ làm cho dư luận thêm bất bình, mà còn làm cho thủ đoạn lừa đảo gia tăng và ngày càng thêm phức tạp.
Theo VTV