Một loạt các sự kiện xảy ra trong những năm gần đây gắn bó với nhau một cách chặt chẽ trong thế giới ảo và thực ngày càng tạo thêm nhiều lý do cho các chuyên gia dự đoán về một cuộc chiến tranh mạng đang diễn ra trên thế giới.
Hiện tại những thành viên của cuộc chiến này chỉ mới tiến hành diễn tập và những hoạt động tác chiến theo mục tiêu, nhưng cũng chẳng khó khăn gì để qua đó nhận ra rằng “vũ khí mạng” có thể trở thành loại vũ khí đáng sợ nhất.
Nổi tiếng nhất là hệ thống nghe trộm toàn cầu "Echelon" do người Mỹ và những đồng minh của họ sở hữu hồi đầu năm 2000. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới những vụ tấn công trên các máy chủ của chính phủ Mỹ, mà đối tượng tình nghi là tin tặc Trung Quốc, hoặc Triều Tiên.
Gần nhất và gây cộng hưởng lớn nhất là nỗ lực phá hoại các cơ sở hạt nhân của Iran bằng cách sử dụng “con sâu” Stuxnet (theo nguồn tin không chính thức, đứng sau phi vụ này là Mỹ và Israel).
Những trường hợp này đã phản ánh hướng chủ đạo cho sự phát triển vũ khí không gian mạng trong tương lai.
Ông Evgeni Yushchuk, một chuyên gia trong lĩnh vực điều tra cạnh tranh nhận định: “Hướng đầu tiên là theo dõi khu vực trường thông tin trên Internet. Giả sử thư từ riêng của người dân cũng đang được hiển thị rõ. Tất cả được kết hợp thành một cơ sở dữ liệu, mối liên hệ giữa mọi người được thiết lập và tiếp đó xác định những thủ lĩnh mới nổi và các dòng chảy ngầm. Bằng cách đó có thể xây dựng bản đồ thông tin về những hoạt động khủng bố đang được chuẩn bị, về việc chuẩn bị đưa người xâm nhập lãnh thổ. Hướng thứ hai là vô hiệu hoá các mạng máy tính của đối phương”.
Từ đầu năm 2012, trên nhiều sân bay của thế giới đã xảy ra sự cố trong các hệ thống đăng ký hành khách và xử lý hành lý. Kết quả là đã có hàng ngàn chuyến bay gián đoạn.
Sau vụ bê bối WikiLeaks, các tin tặc đã tấn công các trang web và mạng máy tính của những hệ thống thanh toán lớn nhất, các ngân hàng, các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới và cả Thị trường chứng khoán New York.
Việc ngừng các hoạt động nghiệp vụ, dẫu chỉ trong một vài giờ, cũng gây nên tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, đây chỉ là cách sử dụng vũ khí mạng bình thường trong sinh hoạt. Trong cuộc đối đầu trên phạm vi toàn cầu, đấy sẽ là việc phá hoại hoạt động của các nhà máy điện, mạng lưới điện thoại di động, giao thông vận tải và dĩ nhiên, của các hệ thống quân sự - từ giao thông liên lạc cho đến kiểm soát an toàn hạt nhân.
Ông Mikhail Yakushev, Phó Chủ tịch tập đoàn Internet Mail.Ru, nhận định: “Nhiều năm trước đây, chúng ta đã thảo luận về những mối đe dọa như chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin. Nhưng đó là trước khi Internet xuất hiện và các công nghệ máy tính được đưa vào sử dụng. Hiện nay chúng ta phải đối phó với các dạng chiến tranh mới, và cần phải bàn về vấn đề an ninh mạng. Bởi vì rất nhiều cơ sở hạ tầng và hệ thống máy tính có thể bị các loại vũ khí không gian mạng và các phần mềm của kẻ địch gây tổn hại. Tất nhiên là sự thâm nhập ngày càng tăng của Internet, mà chúng ta hiện đang chứng kiến, làm cho các quốc gia ngày một dễ bị tổn thương hơn trong trường hợp có ai đó quyết định sử dụng vũ khí mạng”.
Các nước khác trên vũ đài chiến tranh không gian mạng trong tương lai cũng không kém phần năng động. Tích cực nhất là Trung Quốc, quốc gia mà trước đó đã tách khỏi thế giới bằng cách sử dụng "Tường lửa-Vạn lý trường thành" để lọc những thông tin đến từ bên ngoài và từ trong nước đi ra. Tin tặc Trung Quốc được xem là một trong những lực lượng mạnh nhất trên thế giới.
Iran trong năm qua đã chặn truy cập đến Google và Gmail, Twitter và Facebook. Ngoài ra, trong danh sách bị cấm có cả một số phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, mà theo nhận định của chính quyền nước này, đang thực hiện một cuộc chiến tranh thông tin.
Theo VOR