Cần thống nhất cách tính tuổi trong luật

Lê Văn Luyện - nghi can vụ thảm sát cướp tiệm vàng tại Bắc Giang - sinh ngày 18-10-1993, vụ thảm sát xảy ra ngày 24-8-2011, khi đó Luyện chưa đủ 18 tuổi. Hành vi giết người trong vụ án nói trên có thể nói là “man rợ”, đúng như thuật ngữ pháp lý dùng trong Bộ luật hình sự (điểm i, khoản 1, điều 93).

 > Đoàn luật sư Bắc Giang sẵn sàng bào chữa cho Lê Văn Luyện

Tất cả các bộ luật hình sự, từ bộ luật năm 1985 cho đến bộ luật năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 đều có quy định bất di bất dịch là khi người chưa thành niên phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì người phạm tội cũng không phải chịu mức hình phạt này. Chỉ có một khác biệt là Bộ luật hình sự năm 1985 quy định thời hạn tù cho người chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi trở lên) cao nhất là 20 năm tù, trong khi Bộ luật hình sự hiện hành chỉ còn 18 năm tù (khoản 1, điều 74).

Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có sự thống nhất trong quy định về độ tuổi ở các lĩnh vực khác nhau. Có hai cách tính tuổi: tuổi “từ” và tuổi “đủ”. Đối với trách nhiệm hình sự thì luôn tính tuổi “đủ”, tức là phải đủ ngày, đủ tháng, đủ năm sinh, nhưng đối với lĩnh vực hôn nhân gia đình thì lại tính tuổi “từ”. Chẳng hạn nam từ 20 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn (điều 9 Luật hôn nhân và gia đình), theo Bộ Tư pháp hướng dẫn, người nam chỉ cần bước qua lần sinh nhật thứ 19 một ngày là đủ tuổi đăng ký kết hôn. Do đó theo tôi, nên có sự thống nhất trong cách tính tuổi của các bộ luật.

Theo Nguyễn Thanh Xuân (Phòng tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Tuổi trẻ

Theo Tổng hợp