Cẩn thận bánh Trung thu ‘đội lốt’

Cho đến thời điểm này, bánh Trung thu đã xuất hiện trên hầu hết các tuyến phố ở Hà Nội. Ngoài những điểm bày bán bánh Trung thu của các thương hiệu nổi tiếng còn có một số loại bánh không nhãn mác, không nguồn gốc được người bán quảng cáo là bánh “gia truyền”.

Cẩn thận bánh Trung thu ‘đội lốt’

> 'Thị trường bánh Trung thu khá phức tạp' 

Cho đến thời điểm này, bánh Trung thu đã xuất hiện trên hầu hết các tuyến phố ở Hà Nội. Ngoài những điểm bày bán bánh Trung thu của các thương hiệu nổi tiếng còn có một số loại bánh không nhãn mác, không nguồn gốc được người bán quảng cáo là bánh “gia truyền”.

Bánh Trung thu “gia truyền” được ghi bằng tay, không có thành phần, xuất xứ được bày bán trên thị trường.
 

Chất lượng khó tin

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu, hiện trên thị trường có một số nguyên liệu làm bánh xuất xứ từ Trung Quốc được một số cơ sở sản xuất sử dụng. Mặc dù, các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm kiểm tra gắt gao chất lượng bánh Trung thu nhưng sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác vẫn xuất hiện. Để tìm hiểu rõ hơn về thị trường bánh Trung thu năm nay, chúng tôi đã tìm đến phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, một trong những nơi chuyên bán các loại nhân, bột làm bánh và hương liệu bánh Trung thu. Theo nhiều người bán hàng thì năm nào cũng vậy, các loại bột nếp, hạt dưa, mứt bí, lạp xường… được bán khá chạy. Đây là những thành phẩm khách hàng mua về để làm nhân bánh. Bên ngoài bao bì của các loại sản phẩm này không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm, không ghi hạn sử dụng nhưng người bán khẳng định chúng được sản xuất trong nước, chất lượng đảm bảo. Chị N.T.V, chủ một cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh đon đả: “ Khách hàng đến cửa hàng tôi mua bột và các loại mứt, hạt dưa… về làm bánh Trung thu từ gần một tháng nay. Đây toàn là hàng loại 1 nhưng để phục khách mua lẻ tôi phải đóng gói thành những túi nhỏ cho dễ bán…”. Trung bình bột làm bánh có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, hạt dưa 150.000 đồng/kg, mứt bí 80.000 – 100.000 đồng/kg, lạp xường 150.000 đồng/kg…

Trong khi đó, tại một cửa hàng trên phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, chúng tôi thấy hộp bánh làm sẵn với đủ màu sắc, chủng loại cũng được bày bán. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mua vài chiếc hộp này, người bán nhấm nhẳng: “Mua 100 cái trở lên mới bán, cửa hàng chỉ bán buôn thôi…”. Cũng theo người bán hàng, giá các loại hộp bánh Trung thu còn tuỳ thuộc vào kích cỡ và chất liệu, rẻ thì vài nghìn, đắt thì vài chục nghìn đồng. Trên bao bì của những chiếc hộp này được in chữ “Bánh Trung thu” bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài với màu sắc và hình ảnh khá bắt mắt. Điều này lý giải, tại sao những chiếc bánh Trung thu không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không túi hút ẩm, không hạn sử dụng nhưng vẫn được đựng trong những chiếc hộp đẹp mắt có mặt trên thị trường khiến người mua dễ nhầm lẫn khi lựa chọn.

Chị Nguyễn Thu Hoài, nhân viên một công ty bảo hiểm cho hay, do kinh tế khó khăn nên năm nay gia đình chị chọn mua các loại bánh “gia truyền” để làm quà cho người thân. Cũng theo chị Hoài, sở dĩ chị biết đến loại bánh này là do bạn bè giới thiệu, còn vấn đề vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc của những chiếc bánh này ra sao thì chị không thấy được dán trên bao bì của sản phẩm. “Thấy chị bạn cơ quan mách loại bánh Trung thu này được làm thủ công. Đây là loại bánh gia truyền có tiếng nhiều năm, nhưng do không đăng ký nhãn hiệu nên không có tên tuổi, chỉ ai biết mới mua về dùng hay làm quà biếu.

Khảo sát tại một cửa hàng bánh gia truyền tại quận Long Biên, chúng tôi nhận thấy các loại bánh ở đây được bán với giá khá bình dân từ 15.000- 35.000 đồng/chiếc gồm bánh dẻo chay, bánh thập cẩm xá xíu, bánh nướng thập cẩm, bánh đậu xanh… Tất cả các loại bánh này đều không có tên, xuất xứ, thậm chí tên bánh chỉ được ghi bằng tay…

Thận trọng không thừa

Theo Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, mùa Trung thu năm nay toàn thành phố có trên 120 cơ sở lớn, nhỏ sản xuất bánh Trung thu. Trong 24 mẫu bánh Trung thu được lấy để kiểm nghiệm (từ 12 đến 26-8-2013), có 4 mẫu sử dụng chất bảo quản, có hàm lượng chất bảo quản nằm trong giới hạn cho phép.

Điều đáng nói, trong công tác quản lý chất lượng bánh Trung thu, ngành y tế chỉ đưa ra các tiêu chuẩn về hàm lượng, thành phần các chất có trong bánh, còn giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh lại do cơ quan quản lý về thương mại cấp.

Theo một đại điện của Chi cục QLTT Hà Nội, do bánh Trung thu được sản xuất và tiêu thụ trong thời gian ngắn nên vì lợi nhuận một số cá nhân đã sản xuất bánh thủ công nhỏ lẻ với nguyên liệu, nguồn nước, trang thiết bị không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, không ít đối tượng còn làm giả nhãn mác của một số thương hiệu nổi tiếng để lừa người tiêu dùng. Có cơ sở còn không ghi ngày sản xuất mà chỉ ghi hạn sử dụng nên người tiêu dùng nếu không kiểm tra kỹ sẽ dễ mua phải bánh đã bị ôi thiu, nấm mốc.

Không chỉ người sản xuất mà ngay cả người bán bánh giả cũng có rất nhiều thủ đoạn để móc túi khách hàng. Họ không những đánh tráo bánh “rởm” vào bánh “xịn” mà còn tìm cách tráo tem giá bánh do các loại bánh của cùng một công ty có giá chênh nhau khá cao. Mặc dù vậy, công tác xử lý đối với những đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn do mức phạt thấp, không đủ tính răn đe so với khoản lợi nhuận rất lớn mà họ thu được trong mỗi mùa bánh.

Để tránh mua phải loại bánh này, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm bánh Trung thu có bao bì còn nguyên vẹn, kín, không bị thủng, xì hơi. Trên bao bì, hình ảnh, logo của nhà sản xuất phải sắc nét và đầy đủ những thông tin như tên bánh, cơ sở sản xuất, thành phần… Khi mua bánh, khách hàng cũng cần xem xét kỹ, chọn bánh không có dấu hiệu bị mốc hay dập vỡ, không có mùi vị lạ hay ôi, khét. Bên cạnh đó, người dân nên chọn những cơ sở có địa chỉ và thương hiệu rõ ràng, không nên vì ham rẻ mà mua và sử dụng các loại bánh không rõ nguồn gốc.

Theo Bảo Linh
Anninhthudo

Theo Đăng lại